Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

12 NGÀY ĐÊM NĂM 72 Ở THÁI NGUYÊN

Lần đầu tiên mình dùng tít hơi dài và có vẻ như khoa trương, nhưng mình sẽ chỉ kể chuyện của mình và bạn mình nên có ai đó đọc thì sẽ hiểu, Mình nghĩ vậy.Nhớ lại những ngày B-52 rải bom khu ga Lưu xá, khu Nhà máy điện Cao ngạn, tỉnh Thái nguyên trong đợt tập kích chiến lược 12 ngày đêm của Mỹ , mình đang là thợ sửa chữa máy chỉ huy K6M của Đại đội cao xạ 100 ly (ngang tiểu đoàn) thuộc Trung đoàn phòng không 256, Quân khu 1 (Việt Bắc).Mình nhớ rằng ngày 14/12 khi đang tập luyện phối hợp với đơn vị bạn tại sân bay Đa phúc thì nhận được điện của Bộ tư lệnh PK-KQ đại ý "...Hiệp định Pari đã bị phá hoại, đồng chí Lê Đức Thọ đang trên đường về nước....Mỹ có thể dùng B-52 ném bom các thành phố lớn và khu công nghiệp. Bộ tư lệnh ra lệnh cho toàn binh chủng sẵn sàng chiến đấu....". Mình và đồng đội về ngay đơn vị đang đóng tại xã Quang vinh (nay là phường Quang vinh) cạnh nhà máy điện Cao ngạn, làm các công tác chuẩn bị chiến đấu và sau đó tham gia chiến đấu từ 18/12, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn với thành tích bắn rơi 01 chiếc B-52 và với những mẩu chuyện không ăn nhập vào nhau mình sắp kể ra đây:Chiến đấu và chiến thắng: Mình chưa thấy báo chí nói chi tiết về việc pháo cao xạ 100 ly bắn rơi B-52 như thế nào nên xin phép thưa thớt ra đây như sau. B-52 bay cao tối đa 17km, thường bay cao 12km trong di chuyển, bay cao 7 đến 9km trong tác xạ để tránh độ tản mát của bom. Cao xạ 100mm tầm bắn trên 10km, phát huy hiệu quả ở tầm cao 1 đến 7km, đầu đạn tự nổ trong khoảng 7 đến 10km tùy theo góc bắn (còn lại là chạm nổ, ví dụ chạm vào máy bay). Như vậy khả năng cao xạ tiêu diệt B-52 ở cả hai trường hợp chạm nổ và tự nổ là hiện hữu. Trong chiến dịch này ta đánh theo phương án tự nổ để diệt mục tiêu, cụ thể ta chỉnh pháo theo tạo độ, tức là 6 quả đạn từ 6 khẩu đội trong cùng một loạt bắn sẽ tự nổ ở tầm cao 7 đến 9km theo một hình cầu mà tâm của hình cầu đó là mục tiêu đã được xác định. Với phương án này nếu mục tiêu được xác định chính xác thì khả năng bị tiêu diệt là rất cao. Ngoài việc thực hiện nhiều loạt bắn từ một đơn vị ta còn phối hợp nhiều đơn vị cùng bắn một mục tiêu trong cùng thời điểm nên khả năng tiêu diệt mục tiêu lại càng cao. Tức là: Bắn một thằng, bằng nhiều loạt, của nhiều thằng, cùng bắn. Xin lan man thêm xác định mục tiêu B-52 thế nào trong đêm tối để điều khiển pháo bắn, thưa rằng đầu tiên là rada cảnh giới (thường phủ sóng ngoài biên giới Quốc gia) phát hiện mục tiêu, sau đó bàn giao cho rada dẫn đường, rồi đến lượt rada chiến đấu (rada điều khiển pháo hoặc tên lửa còn gọi là rada ngắm bắn) trong phạm vi tác chiến của từng/hoặc cụm đơn vị. Ở pháo 100mm khi đó là rada COH-9 truyền tín hiệu cho máy chỉ huy K6M tính toán phần tử bắn và thực hiện bắn bằng điện cùng lúc cho 6 khẩu đội pháo của một Đại đội pháo.Sống trong chiến đấu với vài mẩu chuyện:Cá nhân mình vì là thợ sửa máy chỉ huy nên không có việc trước/trong chiến đấu vì vậy thời gian biểu thường diễn ra như sau. Khoảng 8 giờ tối mình ở phòng tiêu đồ (nơi vẽ đường bay của B-52 lên bản đồ theo thông số của rada dẫn đường) để xem số tốp, chiếc B-52 bay vào Việt nam qua không phận Lào, nếu nhóm bay đến tỉnh Tuyên quang rẽ hướng nam nhiều (có tọa độ phương vị) thì sẽ oanh kích Hà nội, nếu rẽ ít sẽ oanh kích tại Thái nguyên. (khi đó rada của đơn vị sẽ phát sóng bám mục tiêu) Nếu xác định có oanh kích tại Thái nguyên thì mình:Hoặc sẽ đến một khẩu đội pháo nào đó để hỗ trợ hoặc đơn giản là xem bắn mà chắc chắn là có bắn (mà ta thường nói là chiến đấu). Một buổi trong lúc xem bắn như vậy thì có một loạt bom của F111 ném nổ cạnh trận địa (suốt chiến dịch không có bom B-52 ở gần trận địa với khoảng cách 500m), bom nổ xong mình thấy có vật bắn mạnh vào mông (đít), sờ xuống thấy ướt tay, mình bèn hô lên: Tao bị thương rồi, đồng đội dìu mình vào hầm cứu thương và nhanh chóng xác định vật bắn vào mông mình đã nát bét (mông mình cứng mà). Sau đó lại tiếp tục xác định rằng vật nát bét đó là củ sắn tại vườn sắn bị trúng bom (may quá, hút thành thương binh). Rất tình cờ một đồng đội khác cũng bị thương nặng hơn, nhưng ở tay, vết thương là do một đoạn cây mía bắn vào. Những người dìu mình và đồng đội liền ra thu dọn hết những vật thể bắn vào tay đồng đội và mông mình để tiêu hủy qua đường mồm ngay lúc đó và vào hôm sau, phương án tác chiến tiêu hủy là dóc và luộc. Và như vậy một châm ngôn mới đã hình thành: Vào mông thì luộc, vào tay thì dóc.Hoặc sẽ đến rada điều khiển để cùng xem trên màn hiện sóng tín hiệu của mục tiêu, với hy vọng sẽ chứng kiến giờ phút huy hoàng mục tiêu biến mất (bị tiêu diệt, bị bắn cháy..) trên vùng trời Thái nguyên. Một lần như vậy đã xảy ra, khi xác định mục tiêu mờ đi mình vội vã lao ra khỏi đài (rada) với hy vọng sẽ thấy một quầng lửa hoặc một đốm lửa to dần của B-52 bị cháy. Và một quầng lửa đã xuất hiện ngay trước mặt như sét, áp lực của nó hất mình ngã thẳng xuống hào chiến đấu bất tỉnh. Khi tỉnh dậy Mình xác định quầng lửa vừa có vinh dự được chứng kiến là một quả bom phá và đồng đội mình nói rằng, rất may là mày đã ngã xuống hào, vì ngay sau đó là một loạt bom bi (cũng của F111) đã nổ trên trận địa làm bị thương 5 đồng đội. Còn tín hiệu bị mất trên rada ngay sau đó đã hiện lại rất rõ và chếch nam tây nam về hướng Thanh hóa rồi từ từ mất hẳn.Chiến đấu trên thiết bị mình có, chiến đấu trong kỹ thuật mình có, chiến đấu sáng tạo (nghĩ ra đủ cách, cách nào cũng thử) để chiến đấu, đó là chiến đấu mà mình đã trải qua 12 ngày đêm năm ấy. Những ký ức vụn này để lại trong cuộc đời mình một câu hỏi nhỏ: Cách gì biến những học sinh vô tư lự thành những chiến sĩ sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài kỹ thuật phức tạp chỉ trong vài tháng . Câu trả lời là: Chỉ học, chỉ tập, chỉ làm một việc thôi. Trong đoạn đời sau này khi giải thích với đồng nghiệp về công việc phức tạp hoặc mới làm mình thường vận dụng điều này, ví dụ: Anh, Chị ấy có biết gì về xe máy đâu mà đi thành thạo, họ chỉ biết côn, ga, số và phanh thôi, ngay cả đổ dầu vào "lỗ" nào họ cũng ... mà. Một câu nói hay tại hiệu chữa xe máy: Mày nói gì Chú không hiểu, Tao chỉ hỏi Mày sửa hoặc thay thì hết bao nhiêu tiền, bao lâu nữa phải quay lại cho Mày sửa...Chú có biết gì đâu?. Điều này hằn vết trong suốt cuộc đời sau này của mình, sống theo cái mình có (chiều cao, cân nặng, đôi mắt, cái tai....với cái bã đậu đang ở trong hộp sọ), sống và làm như mình có (hiểu biết việc gì, đến đâu, không hiểu rất nhiều những việc gì), nếu thích thì làm, nếu thích quá thì sai lầm (chịu được) cũng làm, đó là cuộc sống mình đang sống.Suy nghĩ và tâm sự trong những ngày chiến đấu: Sau chiến dịch và đến bây giờ ta biết rõ là máy bay B-52 trong suốt chiến dịch bay theo đường bay tương đối cố định và ném bom xoay quanh 20 giờ và 22 giờ, còn khi đó chưa biết, nên khoảng thời gian từ 18 giờ 30 phút trở đi trận địa rất im lặng (kể cả những người chơi bài tú lơ khơ), toàn thể ở trong hầm, vài hầm đốt đèn (dầu mazút trong lọ mực Cửu long), đa số là không đốt, ít nói chuyện, không một tiếng nói to, im lặng chờ đợi trận chiến sẽ xảy ra không biết vào lúc nào, sẽ như thế nào. Rồi vào chiến đấu và một đêm lại trôi qua, sáng hôm sau cả trận địa như bừng tỉnh bởi những tiếng nói to của những người còn sống và bị thương nhẹ, tiếng nói như bù lại đêm không nói, tiếng nói như khẳng định (bản thân mình) còn sống, nói trong khi bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, khí tài, thu dọn trận địa, nói trong đi lại và nói, viết thư và viết nhật ký, túm lại nói và viết hối hả. Lại nói về ing lặng, mình chắc rằng trong lúc im lặng rất ít người suy nghĩ bởi chẳng có gì phải suy nghĩ trước công việc hàng ngày (đêm) là chiến đấu, công việc hiển nhiên của mình và đồng đội chỉ là thế thôi. Và nếu có suy nghĩ chắc sẽ xảy ra như các trường hợp sau: Anh S, một người đã từng chiến đấu tại B2 năm năm, sau ăn dưỡng bổ xung vào đơn vị mình, đã rất dũng cảm vượt sông Cầu ở đoạn chếch bắc nhà máy điện Cao ngạn trong lúc B-52 đang dội bom ở đó, sang Chùa Hang để trú ẩn. Hoặc như H, chiến sĩ thông tin không dám lên khỏi hầm để nối dây thông tin theo lệnh, khi 2 tốp (6 chiếc) B-52 đang rải bom liên tục cách trận địa khoảng 700m. Không nghĩ gì, chúng tôi đã không nghĩ gì cho công việc thường đêm: chiến đấu; Không kịp nghĩ gì, chúng tôi đã không kịp nghĩ gì trong lúc bị thương, nếu bị; Đã không thể nghĩ gì nếu chết, có thể nghĩ không? khi chết. Chỉ làm, làm tròn bổn phận người lính: Chiến đấu. Như người Nông dân làm tròn bổn phận nông dân. Như người Công nhân làm tròn bổn phận công nhân. Như Người làm bổn phận Người. Chiến đấu bình thường, hy sinh bình thường, hành động bình thường nhưng được xã hội quy ước sẵn : Xuôi là anh hùng, ngược là đớn hèn, như mình và đồng đội đã hành động.Và tâm sự khác: Những suy nghĩ về việc chứng kiến và thu dọn xác các đồng đội Thanh niên xung phong trong địa đạo (Hầm lớn xây bằng gạch tại khu gia đình Bệnh viện Gang thép cũ) thuộc phường Gia sàng, vì bom B-52 năm 1972. (sẽ viết sau).Ghi chú: Mình viết những suy nghĩ này rất khó và viết rất lâu vẫn thấy chưa ưng (chưa xuôi), xong vẫn post lên để sửa tiếp vậy.

1 nhận xét:

  1. cảm ơn bài viết đã cho mình sống lại cái ác liệt một thời chiến tranh bắn phá nơi mình đã trải qua thời thơ ấu..và cả tác giả bài viết nữa cũng chẳng lớn hơn mình vậy mà ...cứ y như ngươi trong cuộc

    Trả lờiXóa