Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

KHẮC KHOẢI.

Ông Cháu cùng nghe.

Nghe Trọng Tấn hát mà tiếc, tiếc vì không được nghe tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô Hà nội vào tối 20/9. Mà tiếc, cái tiếc thoáng qua để rồi khắc khoải, khắc khoải tới vô tận người, khắc khoải về một dòng sông, khắc khoải về một tuổi thơ tôi, cái dòng sông quê ấy, cái tuổi thơ tôi ấy, dòng sông tuổi thơ, một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng, tới vô cùng.
Tôi sinh ra ở Thôn Thượng, Xã Đức Hòa, Huyện Đa Phúc, Tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Sóc Sơn, Hà Nội), Xã ven con sông nhỏ, nhưng tuổi thơ tôi không biết nó, vì sinh ra ở Thôn Thượng, ở phía trên của xã xa sông lắm với bước chân tun tũn tuổi thơ. Nói thêm về quê, các cụ đặt tên thật khéo, thật ý nghĩa, những là ở trên đất cao, những là hòa hiếu, đức độ, những là nhiều phúc và vĩnh viễn phúc từ thôn tới tỉnh. Nay thì, vẫn trên đất cao, vẫn hòa hiếu đức độ, nhưng đã là núi của truyền thuyết và trong sông rồi nhỉ, mỗi thời mỗi khác nhỉ, khi thì bình dị mong ước, khi lại ngưỡng vọng tới anh hùng kiệt hiệt và vòi vọi tới trời. Khi còn nhỏ 6 tuổi đã theo Cha, Mẹ lên Gang thép Thái nguyên, nơi ở cũng xa sông Cầu nên không có ký ức về sông, con sông quê không có.
Lớn đi bộ đội, có dịp đóng quân huấn luyện cạnh sông Thao, khi đó hiểu sông, có cảm xúc cùng sông. Cái miền sông ấy trong tôi, là chuối, là sắn, là ngô, Chúng tôi mua chuối cả buồng của dân và gửi lại nhà dân để ăn dần không dám mang về đơn vị, mua sắn theo cân tự nhổ lấy, cắt đầu đuôi sạch sẽ và dùng củi của dân, nấu tại bếp của dân, ăn xong chưa hết thì mang vào đơn vị, riêng ngô thì bẻ trộm, bẻ theo kiểu đi mười, mười năm bước chân thì bẻ một bắp, giấu diếm đem về đơn vị, tối ra rừng luộc giấu và ăn giấu, ăn diếm, bởi đơn giản lúc đó không ai bán ngô non, ngô tươi, ngô là thóc ... . Cái miền sông ấy trong tôi là dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy và những người con gái dịu dàng nết na, da trắng mà tôi đã đề cập trong GIÁO THÂN.. Cái miền sông ấy hơn hết là những buổi tập trinh sát, hoặc mật tập vất vả cùng thời tiết, cái nước sông ấy tôi đã uống, chủ động vục mũ uống vội vàng trong buổi tập giữa nắng chang chang bất chợt mưa rào, nếu không vội xuống sông uống ngay một vài ngụm nước đỏ ấy thì có thể bị ốm rất nặng. Một dòng sông vẫn còn chút thơ ngây và khờ khạo của anh lính thời chống Mỹ, vẫn còn tuổi thơ trong tâm tính con người. Cái dòng sông kỷ niệm tuổi thanh niên này trong tôi cũng chảy mãi đến vô cùng.
Tự hào Việt nam là hành động làm ra Game Plappy Bird, sau đó mới đến Nguyễn Hà Đông và đến người Việt nam nói chung, cái việc làm ra game ấy là tự hào Việt nam. Cái việc chứng minh được Bổ đề cơ bản langlands là tự hào, rồi đến Ngô Bảo Châu và sau đó là tự hào Việt nam. Làm ra, làm được, làm mới là tự hào. Làm mới mình là tự chảy trong không, thời gian của một đời, làm mới Việt nam là quá trình cùng tự chảy, tự tái sinh của nhiều triệu đời người Việt nam.
Lại nói về Trọng Tấn đã hát "Khúc hát sông quê" trong "Trọng Tấn concert" tối 20/9 ấy, ca khúc đã đóng đinh vào Anh Thơ với chất giọng vang xa da diết, mềm mại dịu dàng quen thuộc đến người nghe. Trọng Tấn đã làm mới nó bởi lời tự sự sâu lắng và khắc khoải, khắc khoải trong tôi, trong Anh, trong người nghe, khắc khoải về nỗi nhớ khôn nguôi của người xa quê, kẻ lãng du đến một đời người. Làm mới mình, làm mới ca khúc, Trọng Tấn đã làm mới khán giả, đẩy khán giả bật lên, bật ra những xúc cảm mới từ ca khúc đã quá quen. Làm mới, hãy làm mới Việt nam ơi, làm đi mới thấy được những chừng nào, làm mới đến vô cùng, một cách TỰ TÁI SINH.. Khắc khoải làm mới, khắc khoải chảy đi, chảy mãi.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

QUĂNG LƯỚI CHÍNH SÁCH.

Trưởng xóm đến nhà thông báo, hộ có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư thì kê khai với xã để giải quyết, đăng ký diện tích lớn cũng được.
Ra thế, khi giá đất thổ cư rất cao trên thị trường thì không cho phép chuyển đổi, Ông, Bà chia đất cho cháu con thì cũng chia thổ cư ra, không được thêm. Đến nay khi giá đất rẻ và đất thổ cư cũng rẻ, thì cho phép chuyển đổi sang thổ cư, mỗi tội xã chưa nói, tiền đóng để chuyển đổi lớn hơn cả tiền bán đất theo giá thị trường.
Trong trường hợp này có nên nói : Xã đã tạo mọi điều kiện cho dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất khác sang thổ cư, nhằm an dân, đảm bảo cho bà con an cư lạc nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Chính quyền xã đã thực sự do dân và vì dân nên được bà con yêu mến, đánh giá cao. Có đến xx,xx% người dân hài lòng với công tác của chính quyền xã.
Lại có nên nói : Xã đã nhanh nhạy tiến hành vét (xin đọc - tận thu), vét hết, khi có điều kiện thời cơ là vét sạch, vét đủ, vét hết.
Đấy là nói về xã, nhưng xã chỉ là nơi thống kê, ghi chép ban đầu. Huyện (thị, thành) mới là nơi cấp đổi, quyết định cho phép và các cấp trên huyện là nơi tạo ra chính sách này. Các cấp trên cũng "chưa kịp" nói với dân rằng : Tới đây, nhà nước sẽ tư hữu hóa đất đai, do vậy đất đai thuộc sở hữu của dân, dân làm gì có lợi cho mình thì làm, làm nhà, xây ao, đúc nhà máy đều mặc lòng. Khi đó nếu đền bù đâu còn đất thổ cư, đất ruộng nữa, chỉ là giá đất thị trường và tài sản gắn liền với đất ấy mà thôi. Nhà nước "chưa kịp" nói nhỉ? Dân cứ  nhanh nhạy, khôn lanh chuyển đổi trước đi nhé, cứ đóng tiền nhiều vào, chuyển đổi nhiều vào để ở cho rộng rãi nhé, dự trữ đất ở cho con, cho cháu nữa, nông thôn mới cần rộng rãi. Lại nói, nếu không tư hữu đất thì các quan chức hiện có quyền sử dụng hàng trăm hecta đất đang trồng cây "vàng", cây "bạc" lại nhẫn tâm với mình khi để cho lớp quan con, quan cháu ra quyết định thu hồi sao? Làm gì có nhỉ?. Mà giả sử nếu có thì lại là một cuộc cách mạng nữa à? lại chia cho dân nữa à? lại đánh đổ nhà giàu nữa à? lại KẾT QUẢ CÁCH MẠNG. theo kiểu cải cách nữa à???.  Đây mới là vét theo đúng nghĩa đen của từ, vét  BÁN CÁI., vét giao tài nguyên, vét giao quyền kinh doanh (xin đọc CẤP. GIAO. ). Vét, vét. Cấp, cấp. Giao , giao.
Thật là tiện, lúc nào cũng đi trước đôi bước, cũng giăng sẵn lưới trước dòng sẽ chảy. Gọi thô là vét, nói chữ là "quăng lưới chính sách" được chăng. Chính sách mình làm, cơ chế mình đặt, dòng chảy mình khơi, thì mình quăng lưới, chứ sức đâu, hơi đâu nói cho thằng nào quăng. Mình quăng lưới chính sách do mình đặt ra.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

CẤP, GIAO.

Tí chút thôi, nhiều gì. Ý tôi là khác nhau tí chút trong mỗi khu vực, tí chút thôi nếu tính theo tỉ lệ tham nhũng công trên tiền được cấp cho các dự án (xin gọi chung các đầu việc). Với các đầu việc là số tiền chi ra và khối lượng hoàn lại, ăn ít thì chẳng bõ, ăn nhiều thì khối lượng giả cũng nhiều, khối lượng thật còn bao nhiêu, nên nói khác tí chút theo phần trăm là vậy. Tất nhiên cũng có những đầu việc to, làm đường cao tốc, mua tàu biển, máy bay chẳng hạn, thì số phần trăm là nhỏ nhưng số tuyệt đối là rất lớn, ấy là bàn vậy.
Cũng là tham nhũng, tham nhũng chính sách công trong việc giao khai thác tài nguyên, từ thủy điện đến trồng rừng chứ chưa nói các khoáng sản khác, lại lớn hơn rất nhiều tham nhũng cấp tiền cho các đầu việc. Tạm gọi những giao này là đầu tư, các đầu tư này khó tính, không tính được chính xác tiền như những đầu việc đã nêu. Tính thế nào trên số hecta giao, trên sản lượng khai thác dự tính, trên thời gian 50, 70 năm và vì vậy xuất hiện cổ phần của các anh, ngoài chi lại quả ngay là thêm chi cổ phần trong dự án. Đầu sở này bao nhiêu phần trăm (đứng tên người khác), đầu sở kia ít hay nhiều hơn, lãnh đạo này (tất nhiên cũng đứng tên người khác) bao nhiêu, lãnh đạo kia à, nhiều đấy.
Tham nhũng được lại quả bằng tiền trên những đầu việc đã là nhiều, tham nhũng được lại quả bằng vốn kinh doanh trên các dự án lại nhiều hơn và hưởng lợi dài hơn theo thời gian. Cấp tiền thì đếm được, lại quả theo phần trăm tiền cấp cũng có thể đếm được. Giao thì khó đếm được, cổ phần lại quả cũng khó đếm và hưởng lợi dài dài. Thế nên có những quan chức ít theo tiền, ít nhận lại quả bằng tiền khi cấp tiền cho đầu việc, đó là những người "liêm khiết", có "đạo đức" tốt. Các quan chức này chỉ giao, giao đất, giao rừng, giao biển, giao mỏ, giao quyền kinh doanh cho các doanh nhân hàng đầu trong nước, trong mỗi tỉnh thành thôi, chỉ giao thôi.
Cấp đi thì "cấp" lại, giao đi thì "giao" lại nhỉ.

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

KẾT QUẢ CÁCH MẠNG.

Xem xong đoạn này :  "Tôi đã chẳng ngạc nhiên khi đọc trong bài báo những lời ca ngợi thành quả của CCRĐ. Tôi hiểu tác giả có lẽ phải có phần bênh vực sau khi đã thẳng thắn nhắc đến nỗi đau của nạn nhân. Tôi đã tin dụng ý của tác giả là muốn ủng hộ sự bạch hóa dần dần một vấn đề gai góc và đau thương trong lịch sử Việt Nam. Nhưng khi tác giả khẳng định “tư liệu đấy, hiện vật đấy, các ông bà tự hiểu lấy”, và nhớ lại những gì đã được trưng bày trong cuộc triển lãm, tôi bỗng hiểu rằng tác giả rất chân thành tin cuộc CCRĐ là cần thiết. Chân thành khi nói về niềm vui của các nông dân “dắt con trâu ra đồng với tư cách chủ nhân ông”, “ăn cơm trên bộ tràng kỷ mát lạnh xa lạ mà ba đời cha ông mình không dám mơ ước”. Dù những tài sản này không phải là thành quả của sức lao động của chính họ, mà là kết quả của cuộc cách mạng “đánh đổ giai cấp địa chủ bóc lột”, như những văn kiện của Đảng đã rành mạch chỉ ra."  Trích từ bài :  VÂNG LỊCH SỬ CHẲNG PHẢI ĐỂ HẬN THÙ.
Nếu có cuộc đánh đổ bè lũ tham nhũng hiện nay theo kiểu CCRĐ, theo cách chia phần hiện vật thì vẫn là "những tài sản này không phải là thành quả của sức lao động của chính họ"vẫn thế. Tất nhiên, khi "ný nuận" đến cùng thì có một phần rất nhỏ của họ đấy, tham nhũng đã xảy ra trong nhà nước toàn dân mà, mỗi người ít một ít. Và vì vậy họ vẫn dùng, vẫn vui "với tư cách chủ nhân ông", vẫn xúc cảm theo kiểu "ba đời cha ông mình không dám mơ ước”, khi dùng của cải, vật phẩm được chia trong cuộc cách mạng đó, kết quả cách mạng.
Nếu có một cuộc đánh đổ các đại gia giàu có, tích lũy tài sản khổng lồ nhanh chóng chỉ sau hai thập niên vừa qua, cũng theo cách chia phần hiện vật thì ...?. Vâng lịch sử chẳng phải để làm lại, nhưng thật trớ trêu lịch sử hay làm lại na ná thế, nếu hoàn cảnh lịch sử na ná thế. Cộng với một quần chúng dễ bị kích động và dẫn dắt (xin xem QUẦN CHÚNG.), thì lịch sử có thể sao chép y xì, để cho ra một kết quả cách mạng phiên bản X. Sau một khoảng thời gian cần thiết, các đại gia sẽ xuất hiện trở lại và ...  Vấn đề là đại gia nào, sản xuất, kinh doanh thương mại hay tham nhũng và lợi ích nhóm? Có tạo ra một hoàn cảnh lịch sử na ná vậy không?.
Hy vọng với tri thức của mỗi người dân, mỗi lãnh đạo, tri thức thời đại của quốc gia sẽ xử lý khác đi, xử lý dân chủ một cuộc cách mạng chuyển tiếp không máu xương. Một cuộc cánh mạng mà cá nhân ai đó có tội thì đó là do phán quyết của tòa án, quyết không bởi phong trào nào, quyết không bởi một giai tầng nào được chỉ định có tội, chỉ vì tự cho rằng giai tầng đó có quyền lãnh đạo xã hội. Hy vọng người dân sẽ tự mua được các vật phẩm cần thiết hoặc yêu thích, để được vui với tư cách chủ nhân ông, để được xúc động nghĩ rằng vật phẩm này ba đời cha ông mình không dám mơ ước. Như Bố mình khi còn sống đã khấn trước bàn thờ : Con mời các cụ thưởng thức thử thịt ngan lai vịt con tự nuôi, thịt này thời các cụ chưa có, xem hương, vị thế nào. Tự nuôi và thời các cụ chưa có, nghe đơn giản vui vui nhưng thật biện chứng, chứ không cúng bằng vật "quả thực" hay "cướp thực". Hy vọng thế, vào tri thức dân chủ, hy vọng các "nếu có" ở trên sẽ xảy ra trong nền tảng của tri thức ấy. Cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất đã có kết quả cách mạng, cuộc cách mạng dân chủ sẽ có kết quả cách mạng.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

KHÔNG NỠ.

Thật sự từ hôm xem tin có ảnh này :


Mình đã viết nháp một bài về làm chủ. Ai làm chủ lễ khai giảng, học sinh hay quan khách và Thầy, Cô. Học sinh bé nhỏ lít nhít, ngồi xổm trên sân đá, sỏi, xung quanh là các bàn học to cao và các X X to cao hơn nữa đang chễm chệ trên cái to cao ấy.
Nhưng hôm nay đọc bài ĐI TÌM NGÔI TRƯỜNG GÂY "SÓNG" TRÊN MẠNG. thì lại thấy không nỡ. Đúng là không nỡ vì các Thầy, Cô ở ngôi trường "là thôn đặc biệt khó khăn, nghèo khó nhất của xã Lùng Tám."  Và "Bản thân các thầy cô ở điểm trường cũng đã bị nhắc nhở, phê bình khi trong hình các đại biểu, thầy cô thì ngồi ghế, còn học sinh lại ngồi xổm trên sân trường." .
Thì đúng là không nỡ. May mà mình chưa đăng bài nháp ấy, không nỡ.
Nhưng mình thực sự muốn nói : Sao không cho trẻ đánh trống trường vào lúc ấy, tiếng trống khai giảng đầu đời ấy của các Cháu. Sao phải đánh hộ?
Chuyện này : Trên sảnh khách của sân bay Nội bài, một cháu bé cứ ôm khư khư chiếc hộp nhựa đi ra xe, mỏi thì đổi tay. Khi tới nhà, cháu chạy vào nhà vệ sinh, để chiếc hộp đó lên toilet và ngồi lên phẹt .. phẹt, ôi khoan khoái. Thế đó, của mình dùng, mình mang, lớn lên làm chủ, phải tự làm thì mới chủ được.

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

ĐÚNG. ĐIỀU ĐÓ ĐÚNG.

Xin trích một đoạn trong bài : Giữ cái gì? Của TS Nguyễn Thị Từ Huy :
"Trong bài này, tôi đưa ra một nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng vừa nêu ở trên (trong khi luôn ý thức được rằng có nhiều nguyên nhân khác nữa) : các nhà bất đồng chính kiến không/chưa được ủng hộ rộng rãi, lý tưởng tự do dân chủ không/chưa được ủng hộ rộng rãi ở Việt Nam, vì người ta ai cũng còn những thứ « phải giữ »."
Điều đó đúng, thật sự "phải giữ", giữ cuộc sống chứ bỏ làm sao được.
Chị Từ Huy hãy cùng nghĩ xem :
Cả gia đình đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, không giữ sao được. Mất việc là mất cuộc sống, mất cái tự do tối cần đầu tiên của cá nhân rồi : Sống. Chưa kể làm khó thêm cho gia đình, cho Cha, Chú họ hàng đã từng cưu mang giúp đỡ mình đôi khi trong cuộc sống, vì họ bị làm phiền.
Cả gia đình làm ngoài nhà nước ư? Ngoài nào? Doanh nhiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài ư? Cũng khả dĩ, nhưng chưa chắc đã ngoài liên can, ngoài tầm với của nhà nước. Một vài người không bị đuổi việc đổi làm sao được quyền lợi của doanh nghiệp trong những liên can ấy. Có thể đuổi nếu đổi được quyền lợi. Ngoài nào? Doanh nghiệp tư nhân à, quá dễ, một cái "búng nhẹ" là doanh nghiệp co vòi ngay, là đuổi việc ngay, nếu không đuổi thì doanh nghiệp phá sản sao? Vì một người, vài người sao để doanh nghiệp phá sản? Lại nữa nếu cưu mang người mà doanh nghiệp bị phá sản thì cưu gì? mang gì? Xin bàn thêm tí về doanh nghiệp tư nhân ở ta. Có hai loại doanh nghiệp (không phân theo luật doanh nghiệp nhé), loại có Cha, Chú đứng sau và loại tự thân vận động. Loại có Cha, Chú đứng sau lợi nhuận vô cùng cao, phát triển vô cùng nhanh, thậm chí thành công ty, tập đoàn lớn trong vài năm trời (Cha, Chú trong các trường hợp này bao gồm cả nhóm lợi ích đấy). Loại tự thân vận động trong thị trường, lợi nhuận thấp, phát triển rất chậm tạm gọi đủ ăn là tốt, tự lao động chân tay và đủ ăn, quí rồi. Cả hai loại doanh nghiệp tư nhân này ai dám cưu mang. Cuối cùng chỉ còn tự thân vận động ư? Đi lại tự do còn chưa có, còn có vài ba đồng chí đi theo, nói gì làm đủ ăn Chị nhỉ. Nói thêm thế này, Cha, Chú thì thành người giàu, đại giàu rất nhanh, có trong tay hàng chục, hàng trăm triệu đô, hàng trăm hecta cao su. Trong mấy ngày này, dân mạng đang bàn về cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất, với nhiều lời, nhiều cách bàn. Tôi không biết mấy trăm năm, bao nhiêu đời liên tục, địa chủ mới thâu tóm được từng ấy đất đai, từng ấy của cải theo các ảnh trưng bày trong triển lãm. Nhưng tất cả chúng ta cùng biết, chỉ sau khoảng 20 đến 25 năm (từ khoảng 1990 tới nay) đã đủ cho Cha, Chú ấy lao động "cực nhọc" để có tài sản lớn đến vậy. Chúng ta đều biết địa chủ ăn uống tằn tiện, làm lam lũ như thế nào qua chuyện kể, lại cũng đang thấy Cha, Chú ngày nay có cuộc sống trên tiền ra sao. Chuyện nói thêm này đang là động lực cho dân chủ, chuyện bàn ở trên về công ăn, việc làm và thu nhập lại cho thấy cái động lực ấy chưa đủ. Thế đấy, thế đấy. Một lẽ.
Bản thân Nhà nước Việt nam như tôi đã trình bày trong THUẾ 1.  THUẾ 2.  THUẾ 3.  cũng chưa hẳn phải dựa vào dân trong chi tiêu vật chất, chưa hẳn do dân trong bầu cử tự do. Và do vậy đang vận hành theo chủ thuyết của mình, đang hiểu về dân trong tư duy của chủ thuyết đó, đang làm cho dân theo cách hiểu đó : Nhà nước quản lý (Xin không đề cập đến các lỗi, các việc làm cho dân theo số ít). Một nhà nước đang có số liệu để tự đánh giá là tốt (80% người dân hài lòng về dịch vụ công), nếu không gọi là rất tốt. Cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần lành mạnh. Một cơ thể nhà nước và công dân ở Việt nam ta chưa thể gọi là cơ thể hoàn chỉnh, thậm chí một nền kinh tế kiểu ấy mới chỉ có thể gọi là đang hình thành, tức cơ thể đang hình thành. Cái nền kinh tế chưa gọi được tên, chưa có qui luật, cái nền kinh tế số hóa bằng tay, gõ thế nào cũng được như ta đang thấy về số liệu thống kê mà mọi người bàn cãi, cái số liệu vĩ mô mà chính xác đến hai chữ số sau dấu phẩy (1,84% thất nghiệp). Nền kinh tế đang dùng số liệu thống kê của cả Sư và Vãi. Cái cơ thể Việt nam đang hình thành ở cả hai thành tố của một quốc gia, người Dân và Nhà nước. Dân đang lo ăn mặc, đang tập học hành (đang cải cách giáo dục, đang thử thi một kỳ, theo tôi thì đang nhận thức về giáo dục) nên chưa nói nhiều và làm ngay cho dân chủ được. Nhà nước đang tự xây dựng Hiến pháp (mặc định là của Dân, do Dân tự làm), đang lo xây dựng các Luật (mặc định là do Quốc hội xây dựng), đang lo quản lý các Tập đoàn, Công ty kinh tế (mặc định là Tập đoàn, Công ty tự lo theo luật, Nhà nước có thể thuê theo các Hợp đồng đơn lẻ). Nghe thì đắng chát nhưng là thực, là thật cho cả người Dân và Nhà nước, hai chủ thể trong khế ước xã hội hình thành thực tế, chưa ký kết. Một cơ thể đang khỏe lên, một tinh thần đang lành mạnh lên theo hướng tự thân. Tôi có cảm giác cơ học như này, một bố mẹ lo cho con theo ý mình và tự đánh giá là rất yêu thương con, một con mới lớn nên biết cằn nhằn và có lúc cãi lại, nhưng vẫn chưa đủ lực (cả vật chất và hiểu biết) để tự ra sống theo ý mình (bàn về số đông) - Tất nhiên cảm giác cơ học này là khập khiễng, không có bố mẹ và con cái trong một khế ước. Thế đấy. Hai lẽ.
Những điều bàn này chỉ đang về hiện tại, chưa nói tới khuynh hướng tương lai, chưa bàn đến tốc độ hướng tới dân chủ. Chả chủ thuyết nào qua nổi, bằng vào chủ thuyết nhân dân, như trong  THÀNH CỤ. đã viết để cùng tâm sự với bạn học chung từ 45 năm trước (có bạn học từ 1966, 48 năm rồi). Một đời đã trôi. Nhưng dục tốc bất đạt, dân chủ là hướng tới của tất cả các Quốc gia trên toàn thế giới cho đến lúc này. Hướng tới Chị Từ Huy nhỉ, hướng tới nên phải giữ. Đúng phải giữ.



Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

HỌC GÌ, CŨNG ĐIỂM TOÁN VĂN.

Theo phương án thi một kỳ được công bố thì : Năm 2015 thi ba môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn.
Như nay mình thấy :
- Cách công bố này chỉ nghĩ về thi, chưa nghĩ đến học. Phải cho học sinh học trước rồi mới thi theo chứ.
- Với các môn thi đã công bố thì : Trường đại học nào cũng phải chọn ứng viên theo điểm toán và văn sao. Ngành Sử trong Đại học Sư Phạm chọn kiểu gì nếu thí sinh của mình không thi sử là ví dụ.
- Mình khẳng định lại một điều đúng là : Kiến thức Môn Toán tại Trường Phổ thông Trung học chỉ phục vụ cho rất ít người học tiếp trong Đại học, ngoài ra không còn ai làm các tính toán đó trong công việc, máy tính làm thay đã lâu rồi. Nếu siêu thị nhiều lên thì đi chợ cũng không cần bốn phép tính, chứ đừng nói là đại số này, giải tích kia nữa và mua hàng qua mạng thì người mua chỉ còn xem hàng và check, chek thôi.
Mình nghĩ sao không công bố là :
Năm 2020 thi một kỳ, kỳ thi sẽ thi bốn môn, một môn bắt buộc Ngoại Ngữ và ba môn tự chọn. Các trường đại học có thể khuyến cáo, trường sẽ ưu tiên xem xét các hồ sơ có môn thi A, B, C. Sẽ ưu tiên chọn thí sinh có điểm cao trong các môn đó theo một trật tự nào đó cho từng nghành học. Và như vậy Nghành Sử của đại học sư phạm khuyến cáo rằng, sẽ xem xét các hồ sơ có thi ba môn : Sử và B, C, trong đó ưu tiên đầu là chọn theo điểm môn Sử.
Từ nay đến 2020 tập trung vào xây dựng chương trình, giáo trình chuẩn, thay đổi phương pháp dạy và học. Về phương pháp dạy và học ở Trung học phổ thông nên ưu tiên vấn đáp, trao đổi để hiểu, bỏ hẳn đọc ghi như hiện nay.
Về Trung học và Tiểu học, các môn học hoặc đại loại thế về giáo dục nói chung, mình đã từng viết tại   ĐÁNH AI.,   KHÔNG SAO.,  HỌC GÌ., VỀ ĐỀ THI.GIÁO DỤC,GIÁO DỤC.,  . Ở đây không nói lại nữa. Nhiều nhỉ, chấm nhé, vậy thôi.

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

QUỐC KHÁNH.

Đến lúc này, 19giờ, 45phút, ngày 02/9. Mình thấy có ba tin chia thành hai loại tin đáng chú ý sau :
Tin : Nhân dân tự nguyện đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo VTV1 thì là 3 vạn người, Theo giaoducthoidai.vn thì là 2 vạn, các báo khác hàng vạn người.
Tin : Các đại biểu nhân dân viếng Lăng Bác. Theo VOV.vn là hàng nghìn người. Tin này tương đẳng với vtc.vn và dantri.com.vn.
Tin : Về tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ,  toàn quốc đã xảy ra 186 vụ tai nạn giao thông, làm chết 114 người và bị thương 145 người. Trong số chết có Trung tướng Phó tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng Nguyễn Xuân Tư.
Cũng là ghi thế, để sau này xem lại mới nghĩ được.
Xin được không dẫn nguồn vì báo nào chả đăng.