Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

NHẠY CẢM.

Trong đợt thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học năm nay. Mình đọc thấy một trang blog cá nhân phân tích đề thi sử (tốt nghiệp Phổ thông Trung học) năm nay với câu 2 (3,0 điểm) : Phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975). Đã đề cập một phân tích sau : Đề thi tiếp tục khoét sâu nỗi đau của một bộ phận không nhỏ nhân dân Việt nam, không gợi mở tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Có lẽ đúng chăng, bởi đây cũng là một vấn đề nhạy cảm trong tình hình hiện nay, nó nhạy cảm chẳng kém nếu ra đề : Phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống chiến tranh bành trướng Trung quốc năm 1979.
Một đề nhạy cảm với yêu cầu cấp thiết lúc này là đoàn kết toàn dân chống lại hành động xâm lấn, bành trướng của Trung quốc trên biển Đông. Một đề nhạy cảm với chính kẻ đang xâm lấn ấy, Trung quốc. Mình cũng chẳng biết đề tài nào nhạy cảm hơn, nhưng chắc chắn đều nhạy cảm.
Một với suy nghĩ rằng sẽ khơi đậy được niềm tự hào, ý chí chống xâm lược và lòng tự tin là sẽ chiến thắng kẻ xâm lược tiềm ẩn. Nhưng kẻ xâm lược mà ta đang hàm ý đến cần thắng là kẻ nào? Có vạch ra cái bản mặt, chỉ ra cái tên nó được không? Nếu chỉ, vạch được, thì có ra đề văn viết hẳn tên, gạch hẳn mặt nó được không? Sao không được? Có phải vì nó đang xâm lấn chứ chưa xâm lược hay không? Nếu thế thì khái niệm xâm lược mềm hiện nay không là xâm lược phải không. Được biết hiện nay hầu như không có chiến tranh giành dân, chiếm đất, chiến tranh xâm lược lãnh thổ theo nghĩa cũ. Trên thế giới đang hiện hữu khái niệm xâm lược mềm, một sự áp đặt (có thể bằng một cuộc chiến để thay đổi chính phủ) để khai thác lợi thế mà thôi. Lợi thế đó là tất cả những gì có lợi cho bên xâm lược, có hại cho bên bị xâm lược và bao gồm bên thứ ba nào đó, cho dù cái hại, hay lợi đó được giải thích ra sao.
Một với suy nghĩ rằng sẽ tập trung được toàn dân, sức mạnh thực tại của đất nước đập tan hành động (đang) xâm lấn, bẻ gãy ý đồ xâm lược (mềm) của kẻ xâm lấn. Thì có nên ra đề hai không? Thậm chí : Bạn nghĩ sao trước hành động xâm lấn hạ đặt giàn khoan trái phép của nhà cầm quyền Trung quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt nam ở biển Đông, có là đề văn không? có nên ra đề đó trong hiện tại không? Đặc biệt là, đề đó có nhạy cảm không? Khi chỉ hỏi : Bạn nghĩ sao?
Nhưng xét cho cùng thì đều là để chống Trung quốc mà thôi, chỉ là khơi gợi xa, gần hay thẳng thừng chỉ mặt. Một, Tôi chống Anh.  Một, Tôi sẽ chống Anh.
Xin xem thêm VỀ ĐỀ THI.
Còn bây giờ, tháng cách mạng và tháng quốc khánh, có nhạy cảm không. Xin thưa hết sức nhạy cảm. Tháng tám đã qua trong không khí nhẹ nhàng, ít đả động đến ngày hội lớn nhất của quần chúng. Tháng chín đang lại nhưng báo hiệu cũng có vẻ khiêm tốn bằng lễ hội Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 45 năm Di chúc Bác Hồ tối 30/8. Các chương trình thì ít và không hoành tráng, hệ thống truyền thông không vận hành trên hai lần công suất như mọi khi. Nhưng ngoại giao thì chằng chịt và soắn xít, ở cả hai bến bờ đối diện với những nhà ngoại giao có đẳng cấp rất cao, mới xuất hiện lần đầu của Đảng, phương cách ngoại này có lẽ chỉ các tác giả của nó mới thực hiểu ý đồ. Các loại tin trong nước chồng chéo và nghịch nhau đến lạ, sẽ tha người này, vừa xử nặng người kia, có người đi chữa bệnh lạ. Rất nhạy cảm thật.

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

ĐÙA. THẬT.

Như đã đề cập trong LẠI NGHĨ. . Mấy hôm nay mình đến Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các thủ tục diễn ra như sau :
1- Lấy một mẫu in sẵn ghi vào thông tin nhân thân (như chứng minh nhân dân) và nộp một CMND phô tô. Ghi vào thông tin của sổ bảo hiểm xã hội và nộp một sổ bảo hiểm xã hội phô tô. Ký tên vào tờ giấy vừa chép thông tin đó và nộp 100.000 VNĐ.
2- Nộp tờ giấy đó, và hai hồ sơ phô tô cho bộ phận khác và được nhận hai giấy, một ghi ngày đến học về giới thiệu tìm kiếm việc làm, một ghi ngày đến lấy Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nộp 80.000 VNĐ tiền học.
3- Đến lấy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (chỉ một tờ) và nộp 40.000 VNĐ. (QĐ này sẽ mang nộp cho Bảo hiểm xã hội địa phương, để thực hiện - mình đếch còn theo Nơi nhận : Như Điều 3 : "... và Ông ... chịu tránh nhiệm thi hành Quyết định này" - Thôi phô tô vậy).
Chuyện tiếp xúc cùng các cháu :
1- Cháu A bảo : Chú 60 tuổi rồi, không cần học nhưng Cháu vẫn phải thu.
2- Cháu B bảo : Chú đi bộ đội và làm việc 42 năm rồi có quan hệ nhiều, Chú nhờ làm cho Cháu một Hợp đồng lao động ba tháng là được (Chú đúng 60). Để Chú khỏi phải đi lại hằng tháng báo cáo về việc tìm kiếm việc làm theo qui định.
3- Cháu C bảo : Để Cháu vẽ đường cho Chú đến Bảo hiểm địa phương.


Mình nghĩ : Mình đóng bảo hiểm thất nghiệp 66 tháng, được hưởng 06 tháng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội số ..., các Nghị định số ..., và các Thông tư số ..., của Việt Nam. Mình thực hưởng 03 tháng sau đó hưởng lương hưu. Mình đóng tiền để mua 04 tờ in, gồm một mẫu điền thông tin A4, hai giấy điền thông tin mỗi giấy một nửa A4, một QĐ A4, vị chi ngang 3 tờ A4 có chữ in và một dấu đỏ của Bảo hiểm XH Tỉnh Thái nguyên. Các thủ tục và tiền phải nộp này do BHXH Tỉnh quy định, người nộp tiền là mình ký trên các sổ của người thu tiền là mỗi cháu. Như đùa ấy nhỉ.
Mình nghĩ : Các Cháu mình tiếp xúc đều dưới 30 tuổi, rất trẻ, làm việc thật, rất thật chứ nhỉ.

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

CÂU HAY LẮM.

Nguyễn Quang Vinh trong mục Lọc tin hay tối 14/8 : "Đuổi việc ngay kẻ ra quyết định xử lý cô Oanh chỉ vì "tội" chống tham nhũng mà trù dập con người ta, vụ việc nhỏ xíu như thế mà Phó Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo vẫn đéo được thì tống cổ chúng nó hết đi, lũ mất dạy."
link : http://www.truongthonkhoailang.com/2014/08/loc-tin-toi-148.html
Chẳng bình, bình thì tống cổ đến Ô đéo được, lũ mất dạy.




Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

CHỈ LÀ LỊCH SỬ.

Châu bản, châu phê và gì, gì nữa bây giờ đang chiếm nhiều thời lượng, hệ thống thông tin đã coi, ví nó là vàng ròng mà cha, ông để lại. Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh nghiêm, những Di sản tư liệu và gì nữa. Chỉ xin trích :
"Trưởng đại diện văn phòng  UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin cũng vinh danh Châu bản triều Nguyễn là tư liệu văn hoá, chính trị có giá trị to lớn, đưa người đọc ngược trở về hơn 155 năm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đặc biêt, Châu bản còn phản ánh cam kết phát triển lâu dài của dân tộc như: Vua Gia Long (trị vì từ 1802- 1820) đã có nhiều ngự phê tập trung về giáo dục, chú trọng việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, học tập tại Văn miếu Quốc Tử Giám; Vua Minh Mạn (năm 1825) ngự phê phân phát đồ cứu tế, giảm thuế cho nhân dân vùng thiên tai; Vua Thành Thái mở trường quốc học năm 1896 để đào tạo nhân tài có trình độ về nền văn minh phương Tây và ngự phê đặt mua các tờ báo bằng tiếng nước ngoài.
"Đây chỉ là một vài minh chứng cho thấy, Châu bản thể hiện quyết tâm của quốc gia Việt Nam trong phát triển giáo dục, khoa học, văn hoá và giao lưu quốc tế. Chúng cho thấy dân tộc này vĩ đại thế nào khi nói về văn hoá, giáo dục", bà Katherine nhấn mạnh."
Để cho rằng đủ. Xin không trích những phát biểu của các Ông bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Hoàng Anh Tuấn, các nhân vật cao cấp gì gì nữa vì có quá nhiều tính từ có cánh trong những trường hợp như này.
Xin trích tí chút này trong quá nhiều tài liệu, sách vở, hồ sơ :
"Bộ mặt xấu xa, tàn bạo của xã hội phong kiến Việt Nam đương thời: ... nỗi căm giận tuyệt vọng trước sự thối nát của giai cấp thống trị, với nỗi xót xa trước những ..".
 "xã hội phong kiến Việt Nam đã .... với giai cấp thống trị thối nát, với bộ máy quan liêu, chuyên quyền, lũng đoạn".

Để thấm thía. Nếu ta nói về chế độ cũ bằng những lời chê trách nặng nề, miệt thị, bằng ví von thối nát thì lời nói của ta thêm vào cùng lịch sử của chế độ ấy. Nó làm ta liên tưởng đến câu : Nếu anh bắn vào quá khứ bằng một khẩu súng lục, thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng một khẩu đại bác (xin lỗi không rõ xuất xứ câu này).
Thế hệ sau ta nhìn cái chế độ mà ta nói tới, bằng nhãn quan của thế hệ, trong cái nhãn quan ấy có thể có hiểu khác, phát biểu khác, và do vậy họ hiểu được thêm về lời nhận xét của ta, tức hiểu thêm ta. Nếu tính theo chế độ thì như đã nhận thấy, trong cùng một chế độ đã có thể thành nhân - quả rồi, vừa "thối nát" đã "vàng ròng" không cần phải đợi đến chế độ khác nữa, rút lại lời nói thì muộn rồi, tên đã bay, lời đã nói. Lịch sử trôi theo thời gian nên có muốn đào, hót đổ đi cũng chẳng thể, muốn tụng ca cũng chẳng được. Lấy đất của lịch sử để tô son, tạc tượng đặt lên bàn thờ, bảo rất vinh quang, hay làm thành mảnh chĩnh, mảnh sành vứt bỏ bụi tre, để bảo rằng thối nát. Nếu ta làm thế, thế hệ sau sẽ đánh giá về ta đấy, đánh giá cái cách phán xét ấy đấy. Chỉ có thể bảo tồn, duy tu, phục dựng hoặc đánh dấu, để các thế hệ sau bằng nhãn quan đương đại đánh giá theo cái thực thể, cái hình ảnh, cái đánh dấu đã để lại ấy và tự hiểu, tự suy tư.
Một công hàm hay công thư (xin tếu là công bút) đã lịch sử rồi . Có thể bàn về công bút đó trong thời gian hiện tại, bàn về ảnh hưởng của nó trong thời gian thực này, bàn về cái đang trên cái đã, cũng có thể bàn về nó với nhãn quan hôm nay để nói đã hạn chế hoặc tiến bộ thế nào so với hôm nay, mọi khen chê đều thừa. Châu phê hay công bút sẽ được bàn về đóng góp của nó với quá khứ, nhưng cần hơn vẫn là trong đời sống thực, để nói người nhìn xa, trông rộng, để nói thiển cận, biết gần, để với tương lai.
Thế đấy. Càng hiểu câu này : Mỗi thời đại đều có cái vinh và nhục của nó. Câu mình đọc được trong "Về chuyện ấy" của TSKH Hồ Ngọc Đại, là trích dẫn của chính tác giả, sau đó mình xem ở báo Hoa Học trò, có một phỏng vấn về tương lai thế hệ trẻ, Ông cũng nhắc lại luận điểm này khi nói : không dám nói là định hướng cho thế hệ trẻ phải làm gì (xin xem HỌC GÌ.). Đọc xong sách của Ông, mình hiểu "chuyện ấy" trong mỗi thời đại cũng có vinh và nhục khác khau. Thời nguyên thủy, trong một hang người nào đó, các người đực, người cái đều là đối tượng của nhau không phân biệt thế hệ, huyết thống, không phân biệt gì, miễn là làm được "chuyện ấy" là làm. Sau thời gian dài tiến hóa, mới tiến tới quan hệ theo lứa tuổi, rồi phân biệt huyết thống, trên cơ sở tách ra, tư nhân ra, tư hữu ra nhiều hang khác nhau để mà phân biệt. Sau này, ở các xã hội tiếp theo lại có những thực tế phù hợp từng xã hội. Đã là, ngủ với nhiều hay với một đàn bà là sức mạnh của đàn ông? ngủ với nhau ngày hay đêm thì đúng? Đang bàn nóng rẫy các trang báo những ngày này, nếu phát hiện ngủ giao lưu đồng thuận, thì công khai hay không công khai danh tính thằng đực, chỉ tên thằng đực thôi?. Để đưa vào Pháp lệnh? Để trình UBTV Quốc hội ký. Thế đấy.
Các đánh giá chung của đại bộ phận người dân thì được gọi là đánh giá của xã hội. Các đánh giá ý chí (không bàn sang lợi ích) riêng của một nhóm người, dù công bố công khai thì cũng không phải là đánh giá của xã hội. Xã hội xưa đánh giá chung được mặc nhiên là tiêu chuẩn đạo đức xã hội, xã hội nay nếu đánh giá đó được trưng cầu (chí ít là thăm dò) dân ý thì cũng là tiêu chuẩn xã hội hoặc được đưa vào pháp luật. Đã là tiêu chuẩn thì có thể khen chê rằng đúng hay sai? khi lời nói, hành động lệch chuẩn nhiều hay ít, đã đưa vào pháp luật thì có thể vi hoặc không vi phạm, nếu là pháp luật hình sự thì gọi có hay không có tội.
Hãy trong thực tại, vô tư với quá khứ và ít biết về tương lai. Hãy làm chủ tư duy chính mình để không chê quá khứ là thối nát hay ca tụng vinh quang. Hãy ít nói về tương lai tươi sáng, bởi 85 năm rồi đã nói, vẫn nói, sẽ sáng tươi. Hãy là thế hệ mình với cái vinh cái nhục của chính mình, để con cháu mình cùng đi tới. Mãi mãi chôn vùi điệp khúc : Hôm kia thối nát, hôm qua vinh quang và ngày mai tươi sáng, mãi mãi hãy chôn vùi, đừng lặp lại vì hôm qua của thế hệ này chính là hôm kia của thế hệ tới mà. Hãy đi tới bằng lịch sử của mình, cái lịch sử không hẳn thối nát cũng chẳng đầy vinh quang, chỉ là lịch sử.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

CẦN? AI?

Mấy cần :
1- Cần Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
2- Cần Mỹ có sự linh hoạt đối với Việt Nam trong đàm phán TPP.
3- Cần Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
4- Cần Mỹ ủng hộ Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền.
Mấy ai :
1- Để giống ai?
2- Để buôn bán với ai?
3- Để sát thương ai?
4- Trước ai?
Nhớ có lần đọc ở đâu đó, một bình luận của chính khách Việt : Những việc lớn trên thế giới, không có Mỹ tham gia không xong, một mình Mỹ làm cũng không được.
Đánh cho Mỹ cút được bốn mốt năm rồi, nhanh nhỉ. Bốn chục năm rồi, ta vẫn ta, ta với ta.

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

MẸ.

Thật ra là một suy tưởng cho chính mình, nhưng Tôi dùng Mẹ như một ẩn dụ cho vợ tôi, Mẹ của các con Trai, con Dâu tôi và Bà của cháu Nội.
Một ẩn dụ trong chuỗi suy tư liên tưởng thì không thể lôgic, có khi không liên tục nữa. Nhưng viết để xả ra, thì dù nhẹ hay nặng lòng thêm cũng viết.
Sau khi vợ mất vì tai nạn giao thông năm 2006, cũng đã có một vài suy nghĩ dạng này :

 Em.


Áo thêu rồng phượng mà chi
và nhiều hoa nữa làm gì hả Em?
Rất nhiều Cha, Chú viếng Em
Trời ngây ngô vậy, thử xem lòng người?

Anh cần tiếng nói của Em
Con mong hơi ấm Mẹ đem trong lòng.
Anh và Em với các Con
Cùng cần nhau ở bữa cơm cơ mà!

Phận mỏng, duyên Em dầy lắm
Cả cuộc đời này đằm thắm Anh yêu.
Chờ Anh, Em nhé chờ nhiều
Việc xong Anh sẽ, nhiều điều cùng Em.
Ngày 13/10/2006 (ba ngày)


Không uổng.


Cái khay Em mua: “mang cho tiện”
Giờ thành khay cơm cúng hàng ngày
Cần mẫn chỉn chu, con Em đấy
Em không thiệt thòi, nó giống Em
Ngày ba bữa, dâng cơm cho Mẹ
Và nhẫn nại, bón cho em Quang
(Lại mua thêm chè ngon cho Mẹ:
Ăn cơm xong, Mẹ uống đã quen)
Vui đi Em, đã là không uổng
Công sinh thành, dạy dỗ của Em.


Giật mình.


Làm sao thế? giọng Em thảng thốt!
Gọi tìm Anh, đường đột giữa khuya
Đêm lặng quá, bàn thờ vẫn thế
Hương vẫn đỏ, tim đèn vẫn lửa
***
Nhưng trời ơi, mắt Em ngấn lệ
Nhớ Con nhiều, đau xót lắm không?
Chăn vẫn đắp, con đang ngoan ngủ
Con bên Anh, Anh cạnh Con mà.



Giữa


Trong bàng hoàng, Anh chợt tỉnh ra
Giữa ớn lạnh, thấy mình có lửa
Giường dài rộng lại Anh nằm giữa
Nối các con với phía Em không

Trong nhói đau, hiểu rằng mất mát
Giữa quẫn cùng, thấy mình cần sống
Làm gạch ngang nối giữa âm dương
Giữa Con mong với phía Em trông



Cái gạch ngang Anh, nặng quá hai đầu

Giữa đến và đi, giữa không và có

Giữa trách nhiệm và tình em đâu dễ

Không thể sẻ chia, chỉ giữa thôi

Cái gạch ngang Anh, cái giữa …cuộc đời
Như giữa mọi người. mọi người ở giữa
Như giữa đất trời, đất trời ở giữa
Anh ở giữa Em, Em ở giữa Anh.
Một vài vậy nhỉ, mình viết nhiều mà.

Đến nay đã giỗ thứ bảy vợ rồi, tôi đã về hưu, sức khỏe đã giảm sút, năng lực đã cạn, nói cách khác đã sang bờ phía vợ rồi, gần rồi, muốn quay đầu cũng không thể nữa, chỉ đến thôi . Những suy nghĩ đứt đoạn này đã là gần cuối rồi, không dừng được nữa, không nghĩ khác được nữa, chỉ nghĩ tiếp thôi, nghĩ tiếp thôi. Xin đọc về những nghĩ này tại  NHƯNG.    và  CHO CON. , để tiếp thôi.       
Khi con trai lấy vợ, nghe nhiều lời bàn về việc nhà của những người thân hoặc bạn bè. Nhưng tựu trưng lại là, con dâu không phải e dè vì mẹ chồng? Con dâu thiệt thòi vì không còn mẹ chồng?. Những e dè hay thiệt thòi ấy cũng đang qua, tôi cũng không nhận biết được là đã ra sao, thế nào. Không e dè ư? cũng đúng, những hôm bác giúp việc đi vắng, bố vẫn dậy nấu cơm sáng được mà, vẫn chăm sóc được em Quang với sự giúp đỡ của Dương mà, và Con thì đang ngủ. Thiệt thòi ư? cũng đúng, những ngày mới sinh cháu nội, Con đã không nhận được sự giúp đỡ của Bà, nhưng bà Cô cũng tận tình mà, lại Bà ngoại nữa, cũng Mẹ mà. Mọi việc diễn ra tự nhiên nhi nhiên theo các con, theo lối sống của các con. Các con là đương, Bố là đã, cách sống của các con, các con cứ sống. Bố hiểu rằng, không ai có thể dạy được ai cách sống, lối sống, chỉ có thể bị ảnh hưởng tự nhiên hoặc tự học theo thôi, Bố cũng thế, con cũng vậy và Mẹ cũng chung nếu Mẹ còn. Không nhận biết vì không phán xét, không cận nghĩ, vậy thôi. Không nhận biết vì không đánh giá, không gọi nó ra một cách cụ thể theo xã hội, theo định kiến chủ quan của Bố.
Nay cháu đã hơn một tuổi, đi lại được rồi, đã không gọi là bế cháu, đến lúc gọi là trông và chơi với cháu rồi. Nhà nghèo, nhưng Ô yếu không chăm được cháu nên nhờ người giúp cháu, cũng tốn kém thêm trong hoàn cảnh thu không đủ bù chi. Cũng nghĩ, nhưng vì tương lai của cháu nên tặc lưỡi, học phương tây, đến lúc chết là hết tài sản, chỉ để lại thằng người kế tiếp, học phương tây nhỉ, không học cũng không được nữa, đến thế rồi mà, an ủi mà chi. Hai người giúp việc cho hai đứa, một đứa Con bại não bẩm sinh, một đứa Cháu vừa sinh nhật, cũng nghĩ, vì Bố đang lo toàn bộ chi tiêu trong nhà, cũng tặc, ... tặc.
Tới đây, bán nhà, bán nhà. Trả nợ rồi chia thừa kế, chia xong khuyến khích con ở riêng, bảo lưu quyền ở cùng Bố, nhưng Con phải là chủ gia đình. Khi đó chắc lương của các con cũng khá rồi, đủ cho hai con và cháu sống tốt rồi. Còn Bố, mua một ngôi nhà vườn nho nhỏ, hơi xa lộ to, khuất sau nhà lớn, nhưng không khí phải sạch, không thể dừng thở được, các thiệt thòi quy vào mua không khí, mua không khí ấy mà, thiệt gì? Nếu lương hưu Bố sống kham khổ mà vẫn khó cho Em, lại vay mà sống, học tây phương mà, sợ chi. Nói là không nghĩ vậy thôi, vẫn chạnh lòng Con ạ. Chạnh lòng khi bộ quần áo mặc hàng ngày của bố được bỏ riêng ra, không giặt cùng mẻ trong máy giặt, "cháu bảo của Ô nặng mùi, để giặt riêng", là Bác giúp việc cho riêng Cháu nội nói vậy. Không thiển cận, chả hỏi lại Con làm gì? nhưng nghĩ và chạnh lòng. Vẫn biết sẽ vậy, sẽ đến lúc ấy, nhưng nó đến ở tuổi 60 của Bố, vẫn chút chạnh lòng. Ờ thì Mẹ nhận hoa trắng rồi, bố thì đỏ nhạt dần, gần trắng. Gần trắng nên tự nhiên tự nghĩ, vẫn nghĩ, nghĩ an ủi rằng mua không khí ấy mà, sống hết là hết ấy mà. Bao giờ trắng thì hết nghĩ, không khí sạch mấy cũng chả dùng được nói chi mua, như Mẹ mà. Hoa trắng ngày rằm tháng bảy của Mẹ và của ... .

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

LUẬT BÁT BÁT.

Bạn mình đọc THỬ PHÊ BÌNH.  và góp : Như chuyện ba con vẹt ấy nhỉ, một con chỉ biết hót, ăn ít và phải nhặt từng đồng từ dân đen, một con hát hay, nói giỏi ăn nhiều, nghĩ ra lắm chiêu, ăn rất đậm, một con cứ ngồi đó tư duy lại, ăn "lại quả" của con kia. Thảo nào con không biết hót đắt nhất, vì được ăn nhiều nhất. Ba con đều phân liệt. Nghĩ ra chuyện gì để uống bia "vào" chút đi.
Nể bạn, mình đưa ra ví dụ luật cấm này, trong một cuộc bia ngày hôm nay 08/08/2014, tên gọi đầy đủ là : Luật cấm đi xe máy từ 22 giờ đến 6 giờ.
Người soạn thảo là mình, giải thích để bảo vệ luận điểm : Đi xe máy sau 22 giờ nhiều thành phần bất hảo, vô công rỗi nghề, hoặc các thanh niên hư hỏng ham đua xe máy. Những kẻ đó thường gây ra những tai nạn rất thảm khốc do đâm hay va quệt xe, do thanh toán lẫn nhau. Lại nữa, cấm đi vào giờ đó hạn chế rất nhiều bọn trộm cắp, lưu manh lợi dụng khả năng di chuyển cơ động của xe máy để tẩu tán tài sản vừa ăn cắp được, hạn chế bọn đĩ, điếm di chuyển xa để làm nghề, khó theo dõi bắt quả tang. Đề xuất này được các cơ quan pháp luật nhất trí rất cao, giờ đó họ có thể yên tâm "lo" cho vợ, nhìn con ngủ đáng yêu, không lo tuần tra canh gác, không bị đổ máu hy sinh để bắt cướp, cắp, đĩ, nhất là toàn tâm toàn ý để lo bọn ban ngày. Đề xuất cũng được nhân dân đồng tình ủng hộ vì an ninh trật tự xã hội được đảm bảo an toàn, mọi người dân đều êm đềm ngon giấc. Người thường rất ít khi đi xe máy vào khoảng giờ đó, nếu có nhu cầu cấp cứu thì gọi tắc xi vừa nhanh vừa an toàn. Mà tới đây có thể hạn chế tối đa việc đi xe máy vào các giờ khác nữa, chuyển việc đi lại sang xe buýt, xe khách, xe liên tỉnh, liên vận, xe tắc xi, xe riêng kết hợp ôm ..., nhiều loại lắm. Xe máy chỉ có một, xe khác có rất nhiều như vừa kể, lại chở được nhiều người cùng lúc. Bao nhiêu thuận lợi, bao nhiêu giản tiện, bao nhiêu lợi, có răng chi... ? Tôi tính chắc rồi, chỉ có "anh" xăng là phản ứng, nhưng tôi cũng giải thích, nó không đi đêm thì đi nhiều vào ngày mà, lo chi. Xăng vẫn cằn nhằn, nhưng "đua" được thì tốn xăng hơn. Mình trình bầy chậm rãi, rõ ràng, khúc chiết về cái lợi ấy, toàn lợi nhé! của việc cấm xe máy.
Mấy thằng bạn mình gật gù tán thưởng, cứ sau mỗi câu, mỗi ý của mình chúng nó lại ừ, ừ, mỗi lần ừ chiêu nửa lon bia, chiêu phát lại nói phát, được! được!. Đến khi lòi mề rồi, đứng đậy rồi, chúng nó lần lượt nói, thôi tao đi trực đây, hôm nay trực cấp cứu, thôi tao đi ca đây, hôm nay ca ba ???. Chúng mày vừa đi ca đêm mà, sao hôm nay vẫn ca đêm. Đổi ca, đổi ca rồi, uống xong mới vào ca ???. Mà này World cup sau thì thế nào nhỉ? bia rượu ấy.  Hôm sau bàn tiếp nhé.
Mình thanh toán tiền bia và nghĩ, bàn thì bàn luôn đi, bàn nhiều rồi mà không quyết, thật chẳng còn lợi nữa. Họp nhiều thế thì lợi gì? Thôi được, bàn tiếp thì bàn tiếp.

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

HỚ HÊNH VÀ KHIÊN CƯỠNG.

Một bài chứa hồn của người viết trên toàn bài, dẫn hấp người đọc "nổ" vang vang, đọc xong lại muốn vang, vang. Báo PetroTimes.vn đấy. Thế thì chép cả cho xõa, tiếc gì chút A4 ảo này.
Cop toàn bài :

Độc lập hay đối lập?

(PetroTimes) - Núp bóng tổ chức xã hội dân sự, thời gian qua, vẫn có những nhóm người lập ra các “hội, đoàn độc lập” khiến một số người ảo tưởng về một “liều thuốc dân chủ” lợi hại, trong đó có “Hội nhà báo độc lập” và “Văn đoàn độc lập”.
Năng lượng Mới số 343
Ðộc lập hay đối lập đây? Chắc chắn là âm mưu đối lập!
Báo chí Cách mạng Việt Nam qua 89 năm trưởng thành, phát triển đang hiện hữu Hội Nhà báo Việt Nam với hơn 21.000 hội viên. Thế mà nực cười thay, các “nhà dân chủ” lại tung hô, kêu gọi thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập” cho những blogger đội lốt dân chủ, chống phá Nhà nước mà chẳng bao giờ có một tác phẩm báo chí đúng nghĩa. Chức chủ tịch hội do một người tự phong. Những người này còn tự xưng “nhà báo độc lập”, ra tận nước ngoài tham gia cái gọi là “điều trần đòi quyền tự do báo chí cho Việt Nam” và ngang ngược đòi chuyển ngày truyền thống của báo chí Việt Nam từ 21-6 sang ngày 3-5. Ðúng là một hành động vô lối!
Báo chí đã thế, lại còn những nhà văn quá khích, gần đây cũng ồn ào vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập”. Với sự so sánh khập khiễng, họ ví “Văn đoàn độc lập Việt Nam” với nhóm “Tự lực văn đoàn” năm xưa. Họ rêu rao “Văn đoàn độc lập Việt Nam” là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước. Nhưng sau đó, có nhiều bài viết về “Văn đoàn độc lập” đã hé lộ ý đồ thành lập một tổ chức đối lập với Hội Nhà văn Việt Nam, gắn với mưu đồ “Cách mạng hoa nhài”, kêu gọi các nhà văn xuống đường như trong cuộc “Cách mạng Mùa xuân Arập”. Nực cười hơn, trong danh sách nhà văn vào hội còn ghi bừa cả tên một nhà văn… đã chết!
Độc lập hay đối lập?
Gần đây, xuất hiện nhiều tổ chức mang cái mũ “độc lập”. Nhiều hội, đoàn với điều lệ, mục tiêu, chương trình hoạt động khác nhau nhưng đều có điểm chung là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước; xuyên tạc, bóp méo hệ thống chính trị; đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị. Chúng hướng tới nhiều đối tượng khác nhau: thanh niên, phụ nữ, luật sư, nhà văn, nhà báo, công nhân, nông dân với các tên gọi rất mỹ miều: Tập hợp thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ nhân quyền, Hội tù nhân lương tâm, Văn đoàn độc lập, Hội nhà báo độc lập, Công đoàn độc lập, Hội mỹ thuật độc lập, Hội điện ảnh độc lập… Các thế lực xấu đều kích động, xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền tự do lập hội, kêu gọi các nước lấy đó làm điều kiện gây áp lực khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Ðối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự lập hội, nếu các hội ấy thực sự vì con người, vì lợi ích thật sự của nhân dân. Ðảng, Nhà nước không cấm thành lập các tổ chức độc lập, nhưng từ độc lập trở thành đối lập với hệ thống chính trị thì tự nó đã đối lập với lợi ích của nhân dân, trái với pháp luật.
Có thể thấy rằng, tất cả những tổ chức trên đều không có gì mới mẻ, tiến bộ, phải thành lập vì nhu cầu của xã hội. Hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay đã có đầy đủ các tổ chức, đoàn thể đại diện cho mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội. Không những thế, các tổ chức chính trị xã hội và các hội, đoàn thể đều được Ðảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện hoạt động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở một số tổ chức vẫn còn những mặt hạn chế nhưng so sánh với các hội, đoàn độc lập đang được rêu rao, vận động thành lập thì sẽ thấy chẳng khác gì so sánh cỏ với lúa vậy!
Nhìn vào danh sách những nhân vật tham gia vào Hội nhà báo độc lập thì có những người chưa bao giờ làm báo. Còn Văn đoàn độc lập thì tiếc thay, có cả những nhà văn lão thành, có cả cán bộ, đảng viên đương chức. Một số nhà văn đã từng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí sáng tác nhưng khi đã nhận tiền rồi, họ có cho ra đời được tác phẩm nào xứng đáng? Ăn lương Nhà nước, ăn tiền hỗ trợ sáng tác mà lại âm mưu thành lập hội mới để đối lập với tôn chỉ mục đích của hội chính thống hiện hành thì thử hỏi tư cách của những nhà văn ấy là gì?
Thật ra, các tổ chức “độc lập” trên chỉ là một nhóm người tiêu cực, bất mãn cá nhân, muốn tập hợp lực lượng để thực hiện các mưu đồ đen tối. Cho dù họ cố tình khuếch trương bằng những cái mác nhân sĩ, trí thức “có tên tuổi” song vẫn không đánh lừa được nhân dân. Ngay cả khi họ được hậu thuẫn từ nước ngoài, có mặt ở các diễn đàn quốc tế như phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ thì những luận điệu lừa bịp của họ vẫn không đánh lừa được các quốc gia trên thế giới và trở nên lạc lõng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các hội lập ở phạm vi một tỉnh, thành phố phải được chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phê chuẩn; nếu hội hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê chuẩn. Vậy mà những hội đoàn độc lập hiện nay không đăng ký, xin phép thành lập, thể hiện sự coi thường pháp luật. Họ còn ngụy biện rằng, Ðảng Cộng sản Việt Nam cũng là một tổ chức “không xin phép”. Nhưng họ đã cố tình quên một điều: vai trò và hoạt động của Ðảng được ghi rất rõ trong các bản Hiến pháp của nước ta từ trước tới nay.
Ðể đánh lừa dư luận, các nhà dân chủ luôn đưa ra lập luận rằng, một nhóm trí thức nào đó thành lập hội là không vi phạm pháp luật. Họ cũng cố tình quên rằng, Ðiều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) đã quy định rất rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Như vậy, Nhà nước Việt Nam ghi nhận quyền tự do lập hội của công dân nhưng để việc thực hiện quyền này do pháp luật (bao gồm Hiến pháp và các luật, văn bản dưới luật) quy định. Hiện chưa có luật về lập hội nhưng quy định về lập hội được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật như: Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 20-5-1957, Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định số 45/2010/NÐ-CP, Nghị định số 33/2012/NÐ-CP của Chính phủ.
PGS.TS Phạm Hữu Nghị (Viện Nhà nước và Pháp luật) đã phân tích, ngay trong Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966, ở khoản 1, Ðiều 22 đã nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”. Tuy nhiên, khoản 2, Ðiều 22 chỉ ra: “Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”. Như vậy, quyền lập hội được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Không thể tùy tiện lập hội nếu việc lập hội đó phương hại đến lợi ích quốc gia, công cộng và những quyền tự do của người khác.
Như vậy, một lần nữa khẳng định rằng, Hội nhà báo độc lập và Văn đoàn độc lập là những tổ chức do một nhóm người tự lập ra, hoàn toàn vi phạm Hiến pháp và pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như Công ước quốc tế! Ðó là những tổ chức đối lập với hệ thống chính trị ở nước ta, cần phải cảnh giác và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống xã hội.
Minh Toàn
Hớ hênh : 
Mọi giấy tờ hành chính của nước CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM đều bắt đầu trân trọng, hãnh diện bằng tên nước và dòng hai là tiên ngữ này : Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Xin trích :

"Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, năm 2013 cả nước bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí. Trong số này có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí."

"Theo nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, nhiều tổng biên tập báo được bổ nhiệm từ nguồn không liên quan đến báo chí. Trong khi luật quy định người làm báo phải kinh qua 3 năm công tác trong môi trường mới được cấp thẻ. Nhiều địa phương còn cho rằng “thường vụ đã thông qua” xem như là xong."
Ông Doãn nói liều quá, nói lộ quá, mà toàn lãnh đạo cơ quan báo chí luôn nhé, Ông chưa biết đánh giá như chì về "tư cách" làm báo của tác giả Khả (khả gì nhỉ, viết sau) Minh Toàn   trong bài báo sao. Xin lỗi, không gọi tác giả Khả là nhà báo vì bài được đăng trong mục Đàm luận, mục khuyến khích những người không là nhà báo đăng bài cho quí báo. Mà báo này cũng liều nhỉ? có hẳn mục khuyến khích đăng bài của "những người chưa bao giờ làm báo."  để tác giả Khả đăng bài.
Khiên cưỡng :
Khả tác giả đã trích : 
 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Lại trích rất, rất đủ :
“Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”
với hai đoạn trích trên, luật giải thích rằng : Công dân có quyền tự do lập hội. Luật pháp có thể giới hạn những hành sử cụ thể, ví dụ : Hành vi hiếp dâm luật bằng một giải thích khác luật. Như chuyện sau chẳng hạn. Thằng con, Bố ơi, con muốn làm một số việc. Con trưởng thành rồi, là công dân của một nước độc lập rồi, cứ độc lập làm gì con thích. Mấy ngày sau. Tại sao mày không xin phép tao mà dám làm chuyện ấy. Con yêu, Bố đã nói là cứ độc lập làm gì con thích mà. Nhưng tao không thích, tao không yêu ???. Con, ớ Bố yêu???.
Hình (mình không biết gọi là gì) trong bài rất nổi, bệ và tấm bia có vẻ bê tông được vẽ cất công phu và tô mầu rực rỡ.
Đàm luận nhỉ, đàm luận mà, chưa nhà báo? viết báo đâu? tác giả Khả nhỉ!

EM "NGỬI"


Xin viết theo đúng nghĩa đen của từ này và bằng tiếng Việt chuẩn mực. Đưa hình em trang trọng ở đầu và khơi ra vậy để vân vi cùng em thế này.
Khi còn bé, Cha, Mẹ dạy nếu muốn ngửi thử một thứ gì, không được ngửi trực tiếp mà lấy tay phẩy nhẹ qua mũi hoặc lắc nhẹ (như em uống rượu vang bây giờ) là được, trường hợp mùi ít, không lan tỏa có thể dùng ngón tay chạm vào vật sau đó đưa tay nhẹ qua mũi.
Khi học làm cán bộ (cỡ đội trưởng sản xuất) được hướng dẫn, nhiệm vụ của đội trưởng là tổ chức cho Công nhân làm việc, không được làm thay, cầm thay, sờ thay, ngửi thay. Em làm đến B... trưởng chắc hiểu hết lẽ của lời nhắc đó rồi, xin không dám múa rìu qua mắt em. Đôi mắt đã viết trong DÌ TIẾN.. Tình thực "trời xe duyên nên khiến anh "viết" em, cho ... ."
Nếu phải "ngửi" em nên "ngửi" tế nhị hơn, em chăm chú quá, mải diễn "ngửi" quá nên quên đó là điều không được diễn. Em xinh tươi, yêu kiều thế, phải làm dáng, phải giữ hình cho kín chứ. Mà em định ngửi để tìm mùi gì? mùi "khắm" à, có những mùi rất tự nhiên đấy, Mắm Tôm, Chao là  ví dụ.
Tay em đẹp quá, hay em mải khoe tay nên không để ý, lần sau chú ý nhe. Tay "cậu" cán bộ cùng em cũng đẹp nhưng khôn nhỉ, chỉ khoe tay chớ không "ngửi' mũi. (xin đọc YÊU THẾ.  để thấy nhìn, ngửi là tế nhị).
Nghe này đừng phản ứng vội, nhanh ẩu đoảng đấy, khi em đã "ngửi" thế. Nghe nhé, nghe chút tí em nhé. Em ơi, em à (ngọt đủ chưa), nếu thấy loại hàng nào hơi nghi ngờ (hoặc không nghi ngờ cũng được - diễn mà) em mua loại hàng đó, mua đàng hoàng vào, trả tiền vào, bảo máy quay đâu, chĩa vào, máy của các anh đâu chĩa vào chỗ của em này, rồi chìa hàng sang bảo "cậu" cán bộ ghi tên hàng, thời gian lấy mẫu, địa điểm và gì gì đó theo quy định của b.. em. Em lại yêu cầu gửi tới các phòng thí nghiệm hóa sinh, vi sinh, sinh lý hoặc mũi sinh gì cũng được và nhấn mạnh, ngày x phải có kết quả cho tôi. Nếu làm thế, không cần đưa lên mũi, em sẽ ngửi thấy ngay mùi các cán bộ quanh em ra quần rồi, em ạ. Vân vi vậy là đến cùng của cái lờ... e... ngã rồi em nhỉ, đến tận cùng.
Nhưng em ơi, em không đơn độc, còn cơ, còn khôi ngô, tuấn tú là khác (Trong trường hợp này nên lấy vài cái vừa uống xong, lấy mẫu và viết trên phương tiện truyền thông rằng. B... trưởng B... khoa học ... đã trực tiếp lấy mẫu, kết quả phân tích là .. Đóng cửa (hay không thì tùy) doanh nghiệp B... ) cũng "ngửi :
Cũng ngửi nhưng có lẽ không còn nước, bởi với tư thế đó thì nước chui vào bộ phận dùng để ngửi rồi.
Gọi là nhúng, nhúng mũi vào rồi.
(Đàn ông có khác, thích là cứ dí mũi sát vào. B.. trưởng này là của một b.. to đấy chứ.)

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

HỎI SUÔNG.

Mình đọc đi đọc lại bài này : http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/an-oan-o-soc-trang-khoi-to-thieu-nu-16-tuoi-giet-xe-om-c46a648025.html  Theo nội dung bài báo thì : "Sau khi di lý cả 2 về Sóc Trăng điều tra làm rõ, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng ký các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với 7 bị can đã bắt trước đó và tất cả được đình chỉ điều tra.
Án oan ở Sóc Trăng: Khởi tố thiếu nữ 16 tuổi giết xe ôm - 2
Đỡ (áo trắng) và Mươl được đình chỉ điều tra hơn 2 tháng trước.
Liên quan vụ việc, Công an Sóc Trăng kiểm điểm, kỷ luật 25 cán bộ công an. Trong đó thượng tá Nguyễn Việt Thanh bị cách chức Bí thư Đảng ủy cơ sở và giáng chức Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45).
Ông Thanh cũng bị miễn nhiệm chức Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, chuyển về Vĩnh Châu làm Phó công an thị xã.
Cùng bị giáng chức có Phó phòng PC45 là thượng tá Nguyễn Hoàng Phú. Ông Phú còn bị cách chức Đảng ủy viên, miễn nhiệm chức Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, bố trí công tác khác. Một Phó phòng PC45 khác là thượng tá Phan Hoàng Lắm bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền.
Đối với đại tá Thái Văn Đợi (Phó giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng) đã bị kiểm điểm rút kinh nghiệm cùng 16 cán bộ, chiến sĩ khác."
Bài đã không có thông tin về loại và mức độ sai phạm, chỉ là đình chỉ điều tra đối với các bị can bị bắt trước đó. Rồi đề cập liên quan vụ việc thế thôi. Mình đọc được vậy và tự vấn đáp cũng không đề cập đến sai vậy.
Nước mình ghét nhất, thậm chí dị ứng với tội có tổ chức, đặc biệt đối với công an, vụ án nào có tổ chức là gần như không bàn cãi gì cả, án nặng liền. Tự phát thì có thể xem nhẹ, tha thứ hoặc cho qua, chớ có tổ chức thì điều tra chặt, không bỏ sót, có thể thêm. Có tổ chức thì khi xét xử được nhắc đi nhắc lại, được khẳng định nhiều lần là có tổ chức "đấy". Tất nhiên là tổ chức ở đây hiểu theo khái niệm tự lập ra, một nhóm cùng bàn bạc và cùng hành động, tổ chức ở đây không là thành viên thuộc hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Hai, ba người cùng bàn, cùng hành động là có tổ chức. Vậy thì, trong trường hợp này có tới 25 + 16 + 1 (theo bài báo) người liên quan bị kiểm điểm, kỷ luật, người có cấp, chức cao nhất là Đại tá Thủ trưởng cơ quan điều tra, thấp nhất là sĩ quan trực tiếp điều tra thì có gọi là tổ chức không? Từng ấy con người có nghiệp vụ cao nhất tỉnh, được đào tạo chính qui, đã có nhiều kinh nghiệm với thâm niên công tác hàng mấy chục năm, họp với nhau nhiều lần để chỉ đạo và cùng hành động thống nhất, có gọi là có tổ chức không? Cùng bàn bạc, cùng hành động liên tục trong nhiều ngày, được chỉ đạo liên tục qua nhiều cấp, có gọi là có tổ chức để cùng làm hay không?
Không tổ chức làm, thì gọi là gì? Thiếu trách nhiệm trong công tác à, cũng có thể? Nhưng nếu 42 con người trong một cơ quan thực thi pháp luật của một tỉnh, ở nhiều vị trí khác nhau từ cao nhất đến thấp nhất của công tác điều tra, cùng thiếu trách nhiệm thì phân tích sao? Do lỗi tổ chức công tác không hoàn thiện của cơ quan à, làm gì có nhỉ. Đây là cơ quan được thành lập cùng Đảng, do Đảng chỉ đạo trực tiếp, toàn diện cơ mà, lỗi này sao được, lỗi qui trình công tác của cơ quan điều tra sao được. Do thiếu trách nhiệm thật à, 42 người cùng thiếu à, cơ quan ấy (điều tra) có bao nhiêu người nhỉ? sẽ có bao nhiêu người thiếu, bao nhiêu người đủ đây?
Mình cũng tò mò về việc có bức cung, nhục hình không? Nhưng câu hỏi đó là phù phiếm trong trường hợp này.
Vậy chỉ tự hỏi suông mình rằng : Bao nhiêu thiếu, bao nhiêu đủ. Là bao nhiêu.

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

BÁN CON.

Sau khi xem  LẠI NGHĨ.. Mấy đứa em, cháu gọi cho mình : Anh, Chú ơi, ở công ty (em, cháu) đang thực hiện, thợ bậc sáu chỉ đóng bảo hiểm bậc ba, bảo là để tiết kiệm chi phí cho công ty.
Trời ơi? lại thế nữa sao, làm khổ công nhân khi đang làm việc đã đành, làm khổ người ta cả khi hưu tức là đến chết không tha đấy. Các công ty này đều là công ty nhà nước cổ phần đó mà, sao vậy.
Trong khi các nghành liên quan đang họp để nâng mức lương tối thiểu, thì với bậc ba về hưu, lương hưu sẽ là bao nhiêu, có dưới mức "lương hưu tối thiểu" không hả trời. Nhà nước lại trợ cấp hưu sao?
Thế này thì phải kêu rằng, trước khi không để việc BÁN CÁI. xảy ra thì Thủ tướng phải "yêu cầu làm rõ" nếu sai phải "kiểm điểm nghiêm khắc" việc "bán con" như này Thủ tướng à. Tôi chỉ thủ thỉ được vậy thôi, xin ngửa mặt lên trời kêu ba tiếng : Trời ơi.

MÁY CÁI "NGƯỢC" VÀ "DỐI".

Xin trích : "Việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam đang làm ngược quy trình với thế giới ở tất cả các bước", Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu vấn đề tại Hội thảo về “Cải cách giáo dục đại học" diễn ra tại TP HCM ngày 31/7.
Lại xin trích : “Giáo dục đại học khó tự chủ được bởi hiện các trường ĐH vẫn phải hoạt động chung trong một cơ chế. Ở một đất nước mà tôi và anh Luận (Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) không thể ký được lương cho GS Châu thì làm sao các trường ĐH có thể được tự chủ được.”
và : "Trong khi đó trao đổi khá thẳng thắn về tự chủ tài chính, bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương nêu nghịch lý, về nguyên tắc người làm khoa học không được nói dối, nhưng năm nào tôi cũng nói dối vì không nói dối không thể giải ngân để lấy kinh phí nghiên cứu.
Bà Ánh tự đặt câu hỏi “Tôi xấu hổ không? và trả lời “có” - nhưng tôi nghĩ sự hèn nhát, ngại đổi mới, ngại sáng tạo, nói dối, không chấp nhận cái mới nó ăn sâu, bén rễ không chỉ ở thế hệ của tôi mà còn cả thế hệ sau này. Những thứ không ai chịu trách nhiệm đã hình thành, thành thói quen từ các bậc học dưới bởi chính cái cơ chế quản lý đầy bất cập.”
Lại và : Ở khía cạnh sử dụng, ông Lương Hoài Nam (cty Thiên Minh) cho hay:  “Chúng tôi thật sự không muốn phàn nàn về chất lượng giáo dục nhưng chúng tôi là người sử dụng sản phẩm giáo dục và không muốn nhận các sản phẩm giáo dục về mà phải đào tạo lại mới sử dụng được”.
Để được viết một câu : Máy cái đào tạo ra mọi máy tư duy được đào tạo ngược, phải nói dối để giải ngân lấy kinh phí nghiên cứu và do vậy phải đào tạo lại mới sử dụng được. Câu này là ghép các ý đã trích chứ trình độ tôi không viết nổi đâu ạ.
Có thể thế này không hai bộ trưởng (và các bộ trưởng khác) : Bộ trưởng cũng phải nói dối để làm bộ trưởng. vì : "Những thứ không ai chịu trách nhiệm đã hình thành, thành thói quen từ các bậc học dưới bởi chính cái cơ chế quản lý đầy bất cập.". Lời Bà Ánh
P/s : Lần thứ ba ăn theo cái tên Châu, lần 1, BỐN CHỤC NĂM RỒI VÀ TOÁN VÀ CHÂU. lần 2, CHỈ TRONG 38 CHỮ. . Cũng là duyên được biết và hy vọng vài điều được biết ấy thành hiện thực.



BIẾT THẾ.

Quan hệ lớn nhất trong một quốc gia là mối quan hệ chính quyền với nhân dân, tiếp sau mới đến các mối quan hệ khác. Có thể gọi mối quan hệ này là Quan hệ gốc được không? vậy thì Quan hệ gốc kiểu nào phù hợp xã hội nay? Nhà nước quản lý? Nhà nước phục vụ? Nhà nước gì nữa? (Nhà nước =Chính quyền)
Ở các quốc gia tiên tiến (theo nghĩa có đời sống nhân dân phong phú) Nhà nước của các quốc gia đó như nào ?. Nhà nước phục vụ dân hay quản lý dân.
Nhà nước quản lý thì (nhà nước) đưa ra Hiến pháp, pháp luật, các qui định, các hướng dẫn thực hiện và thực hành quản lý đến các loại đối tượng quản lý. Chí ít thì cũng tự mình biên soạn tất cả các dự luật để biểu quyết.
Nhà nước phục vụ thì "chờ" Hiến pháp toàn dân làm, chờ luật do quốc hội soạn và ban hành để thực hiện. Tự mình chỉ đưa ra qui trình, cách thức thực hiện để thực hành phục vụ theo Hiến pháp được toàn dân hiến định, Luật được Quốc hội ban hành. Lại nữa để phù hợp bình quyền trong Quốc gia, Quốc hội gồm hai Viện, một do từng người dân bầu, một do từng Bang cử, gọi là cân bằng quyền biểu quyết, của các quyền lực vốn khác nhau về bản chất, nhưng cùng tồn tại trong xã hội. Quyền của Dân - Dân cử, quyền của Bang - Bang cử.
Ở đất nước có một đảng duy nhất cầm quyền, thông thường là, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đối tượng từng loại của mệnh đề này là gì? Xã hội? Nhân dân? Gì nữa?
Đảng lãnh đạo Nhà nước? lãnh đạo Xã hội? lãnh đạo Nhân dân?.
Nhà nước quản lý Xã hội? quản lý Nhân dân?. Hay quản lý Đảng?.
Nhân dân làm chủ gì? Xã hội à?. Nhà nước à? Đảng à? Nhân dân làm chủ ai? Làm chủ Nhân dân à?.
Với các đối tượng được đưa ra trên thì chỉ Xã hội là không nằm trong mệnh đề đã dẫn. Vậy, lãnh đạo, quản lý và làm chủ cùng một đối tượng là Xã hội à.
Đảng gồm những người tự nguyện nhập vào một nhóm, tuân theo một điều lệ tự lập nên.
Nhà nước gồm những người do Quốc hội bổ nhiệm và tự cơ cấu Công chức, Viên chức của mình theo luật Nhà nước.
Quốc hội gồm các cá nhân được đảng cầm quyền cử, dân bầu.
Nhân dân là tất cả, bao gồm cả những người là đảng viên, những người làm cho Nhà nước và những người là đại biểu quốc hội.
Nhức đầu rồi. Lần trước thử nghĩ chút đã nhức đầu (xin xem  LẠI NGHĨ. ).
Lần này biết đến thế thôi nhỉ. Biết thế.