Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

VIÊN SỎI

Già rồi, bắt đầu nghĩ về quá khứ, thỉnh thoảng lại hoài niệm về bạn bè, bạn thân, sơ, bạn làm ta vui và bạn làm ta buồn. Lần này thì về Anh Thắng (đầu lĩnh nhóm uống chè mà mình đã có dịp nhắc đến trong 60 NĂM TRUYỀN THỐNG). Anh hơn mình 5 tuổi, đã ở chiến trường 5 năm, về học Văn hóa cùng mình sau học ở khoa bộ binh (sửa chữa vũ khí bộ binh), Anh người nhỏ, rất hiền, nói rủ rỉ, rù rì nhưng ý tứ gọn, chắc, nhà ở 94 Nguyễn Du, Hà Nội, hồ Ha le ở chếch trái trước nhà. Năm ấy Anh 30 tuổi và đang yêu một Chị 28 tuổi cùng phố. Lại nói đơn vị mình lúc đó ở cách Chùa Thầy, Sài Sơn, Quốc Oai khoảng 2 km nên rất hay ra chơi chùa. Một lần Anh rủ mình đi chơi Chùa và bảo chỉ một mình mình đi, không được gọi thêm ai, đến chùa Anh bảo với mình, chủ nhật tới Chị ra thăm Anh nên hai Anh Em đi trước để chọn chỗ chơi và dàn cảnh (nay gọi là kịch bản) cho Chị cảm động để thêm yêu.
Nên nói về Chùa một chút, Chùa Thầy được xây dựng trong dãy núi Sài sơn, dãy núi này nằm giữa vùng đồng bằng nên rất khác biệt về cảnh quan, dãy núi hơi cong lồi về phía tây bắc, Chùa nằm trong vùng lõm phẳng phía đông nam, trước Chùa có hồ tụ thủy, nên khu Chùa mát và đẹp. Trong dãy núi có hang Cắc cỡ, hang có hai tầng, người vãn cảnh chỉ xuống được đến tầng 1, sâu khoảng 40 mét, tầng hai sâu bao nhiêu không rõ, đáy hang có nhiều đầu lâu tương truyền của quân sĩ chống giặc Nam Hán.
Một vài ảnh Chùa
            

và hang Cắc cỡ
Khi xuống do hang ẩm ướt, hẹp và tối nên các bạn nữ thường sợ hãi bám chặt bạn trai, còn bạn trai thì ôm giữ bạn nữ, bám chặt và ôm giữ, ôm và bám vào đấy, vào đâu thì tùy người, tùy cảm xúc mỗi người. Chính vì vậy nên có câu ca :
Gái chưa chồng trông hang Cắc cỡ
Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy.
Nhưng khi đi lên thì bậc hang lại sáng rất rõ nên đôi bạn khúc khích bàn lại chuyện bám, ôm ... để trông và nhớ.
Chùa còn nhiều tiểu cảnh đặc trưng khác, nhưng trong ký ức mình thì hang Gió (Chính là khe núi ở ảnh 1) phía sau Chùa đến nay vẫn hiển hiện, bởi ở đây Anh Thắng và mình phác họa là, sẽ treo võng ở vị trí nào, ngồi cạnh nhau ở đâu ... Anh lại tỉ mẩn nhặt sẵn hai viên sỏi đẹp để vào chỗ mà khi ngồi với Chị, Anh làm như vô tình trông thấy, Anh sẽ nhặt và nói Chị giữ gìn nó như gìn giữ tình yêu ... Ngay khi rời khỏi hang mình chợt nảy ra ý tinh nghịch nên nói với Anh là, Em quên con dao bấm để quay lại hang, ở đó mình đút túi hai viên sỏi của Anh và thay hai viên khác vào. Sáng chủ nhật đứng ngồi không yên vì hai viên sỏi, nên mặc dù đang phiên trực mình cũng chạy chối chết ra Chùa, lên hang trả lại hai viên sỏi của Anh và nhặt một trong hai viên sỏi mà mình đặt vào hôm trước, với suy nghĩ : Có người con gái nhặt được viên sỏi của mình để lại đó... chuyện cổ tích sẽ bắt đầu. Hôm nay khi viết những dòng này mình chưa biết viên sỏi đó đi về đâu hay vẫn lặng yên nơi đó, còn viên sỏi mang về thì đây, mình đang ngắm nó và hiểu rằng ... chuyện cổ tích vẫn chưa bắt đầu.
Viên sỏi và kỷ niệm. Kỷ niệm của viên sỏi.
Kỷ niệm trong tôi
như
tiếng sỏi
rơi
trong lòng giếng cạn
(Thơ Văn Cao)
Kỷ niệm đang rơi, tiếng rơi khô khốc và lành lạnh trong thời gian mà nó mang, trong lòng người mang nó. Kỷ niệm về tình yêu, công việc, về những người đã quen, những việc đã làm. Viên sỏi của Mình và tiếng sỏi của Văn Cao.
Thảng thốt : TA ĐÃ GIÀ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét