Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

BẠN TÔI ... ĐẬP VÀO BỜ.

Bạn Tôi tên là Phạm Khắc Duyến con Ông Phạm Khắc Quán, cháu Ông Phạm Khắc Hòe và tất nhiên là Em của Ông Phạm Khắc Lãm và Bà Phạm Thị Thành rồi. Nói về xuất thân của Bạn, bởi muốn nói về một vài điều sau đây về Bạn.
Bạn là thứ ba trong nhà, trên là hai Chị, dưới là hai Em trai. Bạn đẹp trai, rất đẹp trai, học giỏi và nhiều tài lẻ nên được gia đình rất cưng chiều, bạn bè quí mến. Tôi học cùng Bạn ba năm cấp 3 (1969-1972) và thân, năm 1972 Bạn thi đại học và học khoa Vô tuyến điện tử, Đại học Bách khoa (hình như là oách nhất Bách khoa thời bấy giờ), nhưng chỉ là dự thính vì không cắt được hộ khẩu. Lý do đơn giản ở thời đó : Gia đình chưa có người đi bộ đội. Hai Chị đều đang học đại học và hai Em thì tất nhiên là chưa đủ tuổi rồi. Bố Bạn đang là Chánh văn phòng Khu Gang thép (năm 1973 chuyển về Hà Nội). Tết năm 72 sang 73 Bạn lên đơn vị thăm mình và tâm sự nhiều, trong đó có ý là đằng nào cũng đi bộ đội, đi luôn như Nam lại hay, thi vào đại học mà học dự thính để làm gì ?. Đằng nào cũng chết thì Đại học cũng để làm gì ?. ... và vài lần gặp nữa ở đơn vị mình, đơn vị Bạn.
Sau những lần gặp nhau đó, vào 4/74 Bạn có giấy gọi nhập ngũ, huấn luyện ở Phú Bình 3 tháng, khi huấn luyện xong bạn và mình lại gặp nhau trước khi hành quân vào nam, khoảng gần một năm kể từ khi nhập ngũ, Bạn và mình liên tục gửi thư cho nhau, nội dung các lá thư chủ yếu như một loại nhật ký (Thời đó hầu hết bọn mình đều ghi nhật ký và rất hay làm thơ). Bạn chết tháng 3 năm 1975 tại Xuân Lộc. Hoàn cảnh hy sinh của Bạn như sau : Đơn vị chiếm được ngoại vi Xuân Lộc rồi, Bạn nhận nhiệm vụ tảo thanh địch trong các hầm chiến đấu và bị trúng đạn bắn thẳng. Sau giải phóng mình có về thăm nhà Bạn ở 36 Quang Trung, Hà Nội, gặp đủ gia đình và một lần trong vài lần sau đó đã gửi lại cho gia đình tất cả thư Bạn viết cho mình theo yêu cầu tha thiết của gia đình (Đưa trực tiếp cho Bác trai vì lúc đó Bác gái đang yếu). Mình nói kỹ về chuyện này để nói sang chuyện khác. Đó là sau này khi đọc nhật ký của một số người khác, trong đó có Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm ... Mình thấy cách ghi và ý tứ trong các nhật ký đó na ná như nhau vì cùng được đào tạo, trưởng thành trong kiểu một mái trường. Thậm chí chỉ dẫn về nơi có thể hy sinh chỉ là đơn giản thế này : Khi nhận nhiệm vụ chiến đấu có thể dẫn tới hy sinh, người lính thường viết sẵn thư cho gia đình dự kiến trước việc đó và gửi lại đồng đội, nếu hy sinh thật thì đồng đội gửi thư đi, nếu chưa hy sinh thì lấy lại thư. Tất nhiên so sánh là vô cùng vì Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm là Anh hùng còn Bạn mình thì chưa, nhưng ngoài sự phong Anh hùng thì rất nhiều sự giống nhau giữa họ : Cùng học Đại học, cùng học giỏi, cùng chiến đấu kiên cường, cùng hy sinh anh dũng với những chi tiết na ná nhau.
Bây giờ xin vào suy nghĩ của mình. Chuyện là thế này : Khi đọc các bài viết về : Đục bỏ tên tác giả bài thơ về  người lính Quảng Trị ở Đây và ở ĐÂY mình buâng khuâng nghĩ : Anh Thạc, Chị Trâm, Duyến và bao nhiêu nhiêu Liệt sĩ Anh hùng, Liệt sĩ chưa Anh hùng sẽ nghĩ gì ? Nếu phát biểu thì họ sẽ phát biểu gì ?. Anh Thạc, Chị Trâm, Duyến đều học giỏi và hay làm thơ, đều ghi nhật ký. Liệu họ có xin sửa thơ của Lê Bá Dương thành thế này không :
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
"Đập vào bờ, đập vào bờ ...  Hỏi mãi ngàn năm?"
Duyến ơi ! Có sửa ?.
Duyến à. Sự hy sinh của Duyến luôn ám ảnh mình, ám ảnh khôn nguôi về cái ngây thơ trong Bạn; Bạn ngây thơ, trong trắng như bẩm sinh, ngây thơ trong mọi cách nói, cách làm (cách ngây thơ). Mình giữ lại hai hình ảnh của Bạn: Cái đầu cui cúi với mái tóc trước cắt chéo cùng tiếng ghi ta và Dáng đứng vẫy chào mình khi vào chiến trường.

1 nhận xét: