Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

QUẦN CHÚNG

Một xã hội có một quần chúng của nó, thiết chế xã hội sẽ sản sinh ra quần chúng ấy. Một quần chúng bằng hành động của mình sẽ cải biến xã hội, thậm chí tạo ra diện mạo của một xã hội.
Cái quần chúng ấy, quần chúng trong xã hội chưa dân chủ, rất dễ bị kích động và rồi bị dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ nào đó. Ở đó, vào lúc ấy, họ cứ tưởng có chung chính kiến, vì tưởng ấy mà trở thành dễ bị dẫn dắt, bởi đang tưởng rằng chung. Một quần chúng dễ bị dẫn dắt, hôm nay có thể được dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ người này thì ngày mai cũng có thể bị dẫn dắt bởi một nhóm người khác. Thật tang thương cho Dân tộc hay Quốc gia nếu hai nhóm người dẫn dắt hôm nay và ngày mai ấy là đối thủ chính trị của nhau. Không thể biết trước được quần chúng ấy sẽ làm gì? Chỉ biết rằng đã làm là xong, kể cả cái việc làm ấy có hại cho chính họ, đã xong. Một Lybya hay một Iraq là ví dụ.
Cái quần chúng ấy, quần chúng trong xã hội dân chủ không dễ bị kích động và không thể bị dẫn dắt bởi một nhóm nào. Trong xã hội dân sự đã hình thành các chính kiến cá nhân và do vậy hình thành những nhóm người có chung chính kiến, một xã hội có nhiều nhóm khác nhau về quan niệm và do vậy tự khác nhau về cách hành động, mục tiêu hành động. Các nhóm không thể, không bao giờ lẫn vào nhau được bởi mỗi nhóm có sự dẫn dắt khác nhau, có các cá nhân tự đoàn kết trong cùng chính kiến. Có thể một Tổng thống hay Thủ tướng nào đó bị phế truất, một Tổng thống hay Thủ tướng khác được bầu lên, đó là kết quả lớn nhất do quần chúng ấy làm ra.
Điều khác biệt giữa hai quần chúng là biết trước và không thể biết trước hành động của quần chúng này và quần chúng kia. Một quần chúng hành động theo các mục tiêu đã công bố! Một quần chúng hành động đồng lòng bột phát!
Một xã hội muốn ổn định chắc cần một quần chúng với nhiều nhóm rõ ràng có các chính kiến khác nhau, sự va chạm, cọ sát của các chính kiến làm xã hội ổn định phát triển. Một xã hội phát triển là một xã hội đang tạo ra được một quần chúng có chính kiến khác nhau và quần chúng ấy sẽ là năng lượng của xã hội trên mọi mặt, bằng mọi con đường, với mọi cách đi có thể.
Một câu nói bất hủ phản ảnh một quần chúng bột phát " Nếu Tôi đi đến đoạn đầu đài thì họ cũng chỉ hân hoan đến thế là cùng". Câu này Napoléon Bonaparte nói nhỏ với người bạn thân, trong khi đang vẫy tay chào rừng người hân hoan mừng Ông tại Pari, sau chiến thắng của Ông ở Ý. Ông hiểu quần chúng của mình nên đã dẫn dắt quần chúng vào cuộc chiến tranh với cả châu Âu, Ông hiểu từng quần chúng của mình nên đã để lại trong một người lính hoài niệm về cái lần hỏi thăm "bệnh sa đì đã đỡ chưa", Ông hiểu mỗi quần chúng, nên mỗi họ dù không gặp Ông lần nào cũng biết "trong mỗi bao đạn đều có một cây gậy thống chế" để cùng Ông lao vào chiến đấu ... và Ông quá hiểu "... họ cũng chỉ hân hoan đến thế là cùng"
Một quần chúng đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét