Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

LẠI NGHĨ.

Liên hoan chia tay, chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty, mình nghe các Cán bộ Công đoàn nói chuyện : Trong cuộc họp Ban chấp hành công đoàn (BCH CĐ) Công ty cổ phần gang thép thái nguyên, BCH CĐ cơ sở, Chi nhánh công ty cổ phần gang thép thái nguyên Mỏ than phấn mễ báo cáo : Trong năm đã có thành tích vận động được 6 công nhân của Mỏ hoãn chấm dứt hợp đồng lao động để chuyển sang nghỉ hưu, tính ra làm lợi cho Công ty khoảng trên 300 triệu đồng ...Lấy bình quân khoảng 60 triệu đồng/người, nếu Công ty phải chi trả trợ cấp thôi việc theo Luật lao động của Nhà nước mình (không phải nước người) ban hành năm 2012, có hiệu lực từ 01/5/2013, (Luật số : 10/2012/QH13). Thật đáng hoan nghênh, thành tích thật tuyệt vời, Công đoàn trong Công ty cổ phần cũng biết làm ra tiền cho Công ty nhỉ, giỏi thật.
Lại nhớ! tháng 10/2013, Tổng công ty, Công đoàn tổng công ty, Công ty, Công đoàn công ty ... vận động cán bộ, công nhân viên toàn Công ty đóng góp tiền giúp đỡ Công ty cổ phần luyện cán thép Gia sàng, để Công ty (người sử dụng lao động) đóng bảo hiểm xã hội theo luật hiện hành.
Lại nhớ ...
Lại nghĩ nhiệm vụ chính trị của mọi cấp Công đoàn là : Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Lại nghĩ : Từ năm 1945 đã có câu "Lợi quyền ta cố ta đòi ... " mà mọi người Việt nam đều được học thuộc lòng từ bé qua môn Lịch sử, qua môn Văn và qua cả tuyên truyền miệng. Một phần rất lớn từ câu ca đó đã động viên toàn dân làm nên chuyện thần kỳ Cách mạng tháng tám, thắng thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, bành trướng Trung quốc ... và bao thần kỳ khác. "Lợi quyền ta cố ta đòi ... "
Lại nghĩ : Làm thế này là bảo vệ thật, bảo vệ quyền hợp pháp của chủ lao động thật. Là giúp đỡ cho "lợi ích" của người sử dụng lao động thật.
Lại nghĩ : Làm thế này lợi thật, lợi thật từ thiệt hại thật của công nhân nghèo đã vài chục năm úp mặt đào than. Lợi hại thật?
Lại nghĩ : Công đoàn? Cán bộ công đoàn? Của Công ty đã có thành tích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ... ?.
Chuyện đương, hôm rồi một công nhân ở đơn vị cũ của mình có nhờ mình xin Giám đốc cho được chấm dứt Hợp đồng lao động. Mình có hỏi sao phải xin? Anh quen Giám đốc thì giúp Em, Em gửi đơn phòng tổ chức không nhận? Thế đấy mấy chục năm làm chủ nhà máy xí nghiệp, bây giờ yếu xin nghỉ không được? phòng không nhận đơn, không công nhận cái quyền cơ bản của người lao động : Quyền tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động của ông chủ.
Đang hiển hiện : Người lao động của Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia sàng nếu có nhu cầu nghỉ chế độ hưu thì tự mình đóng khoảng 24 tháng (đến thời điểm này) toàn bộ giá trị bảo hiểm xã hội phải đóng, tức bao gồm cả phần của Công ty phải đóng cho người lao động theo hợp đồng lao động để "được" nghỉ.
Lại nghĩ, pháp luật qui định : Sau thời hạn đã ghi trong luật (hiện là ba tháng) nếu người sử dụng lao động chưa trả đủ lương, đóng bảo hiểm ... (gọi chung là các khoản phải trả) cho người lao động, thì toà án niêm phong tài khoản, tài sản (có thể- một phần hoặc toàn bộ) của doanh nghiệp. Dùng tiền trong tài khoản, hoặc bán đấu giá tài sản để trả cho người lao động và các khoản nợ khác của doanh nghiệp (luật qui định chi tiết về từng việc, ở đây chỉ xin tóm lược vậy). Thật rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động nhỉ? Thật tuyệt vời, pháp luật nước mình!.
Lại nghĩ sắp đến ngày kỷ niệm 85 năm thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rồi nhỉ? Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn hẳn các tổ chức công đoàn ở các quốc gia khác, bởi ngoài việc :
"Chức năng thứ nhất, đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ"
như các nước, còn làm :
"Chức năng thứ hai, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế".
và còn :
"Chức năng thứ ba, giáo dục, động viên CNVCLĐ phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ tổ quốc."
Hơn hẳn, hơn hẳn các nước có nền kinh tế thị trường rồi. Công đoàn của họ mơ cũng không thấy cái "quyền - chức năng thứ hai" của mình, họ chỉ có quyền dân sự sơ đẳng là : Đưa chủ Doanh nghiệp hoặc Chính quyền ra tòa nếu thấy có hành động phương hại lợi ích của người lao động. Công đoàn của họ mơ cũng không thấy cái quyền, không cho ông chủ tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động nhỉ.
Lại nghĩ : Sơ đẳng quá. Công đoàn của họ sơ đẳng quá.
Ơ! Nhưng sao các vị lãnh đạo nước mình, khi đến các nước có nền kinh tế thị trường lại : Đề nghị công nhận Việt nam là nền kinh tế thị trường nhỉ? Sao vậy. Mình đã hơn hẳn họ về chức năng rồi mà, xin bằng họ làm gì? khi đã hơn hẳn.
Hơn hẳn, chức năng của công đoàn.
Hơn hẳn, có một hệ thống chính trị đồng nhất, rất ổn định.
Hơn hẳn, có một hệ thống pháp luật chặt chẽ để bảo vệ quyền con người, đã hơn họ về bản chất và vượt họ quá xa về quyền con người "khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản,".
Ơ! Sao mình đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lại chỉ đề nghị họ công nhận là có nền kinh tế thị trường thôi, thế thì thiếu à, thiếu một vế à. Hay mình tạo điều kiện cho họ, dù họ mới có một vế, vẫn cho họ bằng mình để có thể giúp họ tiến lên giống mình có đủ hai vế mới là hoàn chỉnh. Họ mới có một vế nên nền chính trị rất khập khiễng, liên tục thay đổi đảng cầm quyền, thiếu ổn định để phát triển xã hội và đời sống nhân dân.
Lại nghĩ.
19/7/2014 Xin bổ xung thế này. Hôm qua có việc gặp bạn đang là Tổng giám đốc Công ty cán thép Thái trung (Công ty cổ phần Gang thép thái nguyên có phần vốn góp chi phối của nhà nước). Trong câu chuyện chợt Bạn nói : Công ty từ tháng 3/2013 chưa đóng được bảo hiểm cho công nhân, khổ nhất là mấy Ông ở Gia sàng xuống (đã dẫn ở trên) bây giờ muốn nghỉ ? Cũng rất khó. Thật bi hài, chạy trời không (thoát) khỏi "đóng" tất.
Lại nghĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét