Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

CÙNG LÀ TIỀN.

Trong các hoạt động nào đó, nếu thu được bằng tiền thì con người sẽ quan tâm đến lỗ và lãi, tức hiệu số tiền thu vào và chi ra cho hoạt động ấy, hoạt động này gọi là kinh doanh. Hoạt động kinh doanh được thực hiện dựa trên lợi nhuận. (cứ như chép ấy nhỉ).
Trong các hoạt động nào đó, không được thu bằng tiền mà con người chỉ quan tâm đến hiệu quả, tức sự thu hút hay hưởng lợi chung được mang lại, hoạt động này gọi là hoạt động xã hội. Hoạt động xã hội được gọi đa dạng hơn, công ích, từ thiện, nhân đạo, tài trợ, nhưng có thể gọi chung là dựa trên lợi ich của con người, các hoạt động phi lợi nhuận. (cứ như chép ấy nhỉ).
Hoạt động nào cũng là chi phí, mọi hoạt động sống của con người đều phải chi phí. Chi phí nuôi sống bản thân, gia đình, chi phí cho hoạt động kinh doanh, chi phí cho hoạt động xã hội. Các chi phí này được định giá tiêu hao bằng tiền hoặc tiêu hao bằng hoạt động sống của con người, thường là cả hai và được đền đáp bằng lợi nhuận hay lợi ích. Nói đến cùng là chi phí cho lợi nhuận hoặc lợi ích kỳ vọng. Với lợi nhuận là số tiền hoặc vật chất quy tiền thu được thông qua hoạt động, với lợi ích là sự tiện dụng mang lại cho mình hoặc cho người. Chi phí  để đạt được lợi nhuận hoặc lợi ích, mọi hoạt động của con người đều là như vậy và đều dựa trên tính toán rằng : Chi phí nhỏ nhất, lợi ích lớn nhất. Cùng là tiền.
Lợi ích đến lượt nó lại được định trên hệ quy chiếu nào như thông thường hay bàn là con cá hay cần câu. Đói thì cần cá ăn ngay cho khỏi chết, có ăn lưng lửng rồi thì muốn cần câu với hy vọng tự mình không đói vào ngày mai. Bệnh thì cần chữa ngay để khỏi chết, chưa bệnh thì nghĩ ra cái cách để phòng. Câu chuyện của thằng Bờm là điển hình cần con cá, điển hình của việc định giá kinh tế với Phú ông theo nguyên tắc vừa giá. Bờm không hy vọng hão vào "hữu nghị viển vông" với Phú ông, không phụ thuộc toan tính của Phú ông, không trông chờ vào con chuột to, tính toán của Bờm là ăn ngay, ngang giá vào thời điểm và chào, hy vọng có cái gì đó nữa để được đàm phán tiếp.
Thủ tướng nói rất đúng về "hữu nghị viển vông" tức là nói tới đổi ngang giá và chào, hy vọng có đàm phán với "bạn to" tiếp sau - Ghi riêng : Thủ tướng tâm sự rằng, Ông tự tra từ điển từ "viển vông" để phát biểu điều này. Thủ tướng cũng nói đúng "Đi nhiều, Tôi thấy các công trình từ thiện và nhân đạo phần lớn do các doanh nghiệp nhà nước làm". Sao Thủ tướng chưa nói hết ra rằng : Nếu khoán vốn (tiền và sử dụng tài nguyên) cho các doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu các doanh nghiệp đó thực hưởng cùng một chính sách kinh doanh, thu thuế bình đẳng như các doanh nghiệp tư nhân, dùng thuế thu được đó, khoán xây dựng các công trình từ thiện và nhân đạo thì chi phí công trình sẽ nhỏ nhất và lợi ích lớn nhất. Bởi cứ cho là các công trình từ thiện, nhân đạo do các doanh nghiệp nhà nước đã làm mà Thủ tướng trông thấy là tuyệt đối trong sạch, không tham nhũng, lãng phí, chất lượng tốt, thì trên thực tế hiển hiện nó đã dềnh dang, chi phí quảng bá trong suốt quá trình thi công, khi khai trương, khánh thành rất lớn. Điều tuyệt đối trong sạch này là tuyệt khó hay tuyệt không có, vì đây là cơ hội để nâng cao chi phí của những người được thừa hành thực hiện, mấy khi được làm? giá thành đơn chiếc? thi công xa doanh nghiệp? nguyên vật liệu nhỏ lẻ? nhiều lắm cơ hội. Hãy xem, các sản phẩm chính là con đẻ của doanh nghiệp còn thường lạm dụng vào những điều tuyệt đối trong sạch, huống chi là con nuôi công trình từ thiện, làm để chứng tỏ người đứng đầu doanh nghiệp đã quan tâm và để báo cáo thành tích. Đấy là nói giá thành công trình, còn lợi ích công trình thì sao, người dân sử dụng công trình nói sao? Vì người chi tiền là doanh nghiệp nhà nước còn người hưởng lợi là dân, lợi ích kỳ vọng vào công trình cụ thể có trùng khít không? Trong đời sống hàng ngày, người dân chi tiền của mình, cho bản thân mình mà còn tự than : Biết thế không chi nữa, phí tiền. Huống chi doanh nghiệp nhà nước chi hộ nhỉ? Đằng này người chi cứ chi, người hưởng cứ hưởng, người chi cứ chi theo gợi ý của địa phương, không biết người thụ hưởng là ai?  "cần" hay "con" không biết nhỉ?
Điều này thì đúng :
Tiền của dân, dân chi cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân (lại như chép).
Tiền của nhà nước, nhà nước chi cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước (như chép).
Nhưng cùng chi cho và cùng là tiền để chi, mà vấn đề có khác nhau như thế này. Người dân chi tiền thì có thể phải chịu trách nhiệm trước thân nhân của mình, nếu có sự liên hệ với thân nhân về tài sản chi. Nhà nước chi tiền thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân mình, tài sản nào cũng của nhân dân, tiền nhà nước in, tiền thu ngân sách các loại, tiền nhà nước bán được công sản, vậy thôi. Trách nhiệm với đồng tiền rất khác nhau, với những đối tượng chi khác nhau là vậy, một đằng phải công khai, minh bạch với nhân dân, một đằng có thể chỉ với một, hoặc một vài người. Cùng là tiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét