Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

KHẮC KHOẢI.

Ông Cháu cùng nghe.

Nghe Trọng Tấn hát mà tiếc, tiếc vì không được nghe tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô Hà nội vào tối 20/9. Mà tiếc, cái tiếc thoáng qua để rồi khắc khoải, khắc khoải tới vô tận người, khắc khoải về một dòng sông, khắc khoải về một tuổi thơ tôi, cái dòng sông quê ấy, cái tuổi thơ tôi ấy, dòng sông tuổi thơ, một dòng sông xanh chảy mãi tới vô cùng, tới vô cùng.
Tôi sinh ra ở Thôn Thượng, Xã Đức Hòa, Huyện Đa Phúc, Tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Sóc Sơn, Hà Nội), Xã ven con sông nhỏ, nhưng tuổi thơ tôi không biết nó, vì sinh ra ở Thôn Thượng, ở phía trên của xã xa sông lắm với bước chân tun tũn tuổi thơ. Nói thêm về quê, các cụ đặt tên thật khéo, thật ý nghĩa, những là ở trên đất cao, những là hòa hiếu, đức độ, những là nhiều phúc và vĩnh viễn phúc từ thôn tới tỉnh. Nay thì, vẫn trên đất cao, vẫn hòa hiếu đức độ, nhưng đã là núi của truyền thuyết và trong sông rồi nhỉ, mỗi thời mỗi khác nhỉ, khi thì bình dị mong ước, khi lại ngưỡng vọng tới anh hùng kiệt hiệt và vòi vọi tới trời. Khi còn nhỏ 6 tuổi đã theo Cha, Mẹ lên Gang thép Thái nguyên, nơi ở cũng xa sông Cầu nên không có ký ức về sông, con sông quê không có.
Lớn đi bộ đội, có dịp đóng quân huấn luyện cạnh sông Thao, khi đó hiểu sông, có cảm xúc cùng sông. Cái miền sông ấy trong tôi, là chuối, là sắn, là ngô, Chúng tôi mua chuối cả buồng của dân và gửi lại nhà dân để ăn dần không dám mang về đơn vị, mua sắn theo cân tự nhổ lấy, cắt đầu đuôi sạch sẽ và dùng củi của dân, nấu tại bếp của dân, ăn xong chưa hết thì mang vào đơn vị, riêng ngô thì bẻ trộm, bẻ theo kiểu đi mười, mười năm bước chân thì bẻ một bắp, giấu diếm đem về đơn vị, tối ra rừng luộc giấu và ăn giấu, ăn diếm, bởi đơn giản lúc đó không ai bán ngô non, ngô tươi, ngô là thóc ... . Cái miền sông ấy trong tôi là dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn chảy và những người con gái dịu dàng nết na, da trắng mà tôi đã đề cập trong GIÁO THÂN.. Cái miền sông ấy hơn hết là những buổi tập trinh sát, hoặc mật tập vất vả cùng thời tiết, cái nước sông ấy tôi đã uống, chủ động vục mũ uống vội vàng trong buổi tập giữa nắng chang chang bất chợt mưa rào, nếu không vội xuống sông uống ngay một vài ngụm nước đỏ ấy thì có thể bị ốm rất nặng. Một dòng sông vẫn còn chút thơ ngây và khờ khạo của anh lính thời chống Mỹ, vẫn còn tuổi thơ trong tâm tính con người. Cái dòng sông kỷ niệm tuổi thanh niên này trong tôi cũng chảy mãi đến vô cùng.
Tự hào Việt nam là hành động làm ra Game Plappy Bird, sau đó mới đến Nguyễn Hà Đông và đến người Việt nam nói chung, cái việc làm ra game ấy là tự hào Việt nam. Cái việc chứng minh được Bổ đề cơ bản langlands là tự hào, rồi đến Ngô Bảo Châu và sau đó là tự hào Việt nam. Làm ra, làm được, làm mới là tự hào. Làm mới mình là tự chảy trong không, thời gian của một đời, làm mới Việt nam là quá trình cùng tự chảy, tự tái sinh của nhiều triệu đời người Việt nam.
Lại nói về Trọng Tấn đã hát "Khúc hát sông quê" trong "Trọng Tấn concert" tối 20/9 ấy, ca khúc đã đóng đinh vào Anh Thơ với chất giọng vang xa da diết, mềm mại dịu dàng quen thuộc đến người nghe. Trọng Tấn đã làm mới nó bởi lời tự sự sâu lắng và khắc khoải, khắc khoải trong tôi, trong Anh, trong người nghe, khắc khoải về nỗi nhớ khôn nguôi của người xa quê, kẻ lãng du đến một đời người. Làm mới mình, làm mới ca khúc, Trọng Tấn đã làm mới khán giả, đẩy khán giả bật lên, bật ra những xúc cảm mới từ ca khúc đã quá quen. Làm mới, hãy làm mới Việt nam ơi, làm đi mới thấy được những chừng nào, làm mới đến vô cùng, một cách TỰ TÁI SINH.. Khắc khoải làm mới, khắc khoải chảy đi, chảy mãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét