Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

GIÒ LỤA.

Hiện nay âm thanh của hai chữ này, đã không làm ta liên tưởng hình ảnh một lát nhỏ giò lụa trong đầu và ri rỉ nơi vị giác rồi. Đã qua cái thời thiếu thốn ấy rồi, thiếu thốn vì không được trồng, không được nuôi, không được làm vì cơ chế "cũ", cơ chế bao cấp.
Hồi ấy (những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước), Tôi hay có dịp đi công tác ở Hà nội cùng anh Khiêm (Nguyễn Hoài Khiêm), Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty. Xe chưa xịn như bây giờ, đường quốc lộ 3 chưa thuận như bây giờ, nên phải dậy sớm, đi sớm. Mỗi cuốc đi thường dừng ăn sáng ở Phổ yên, còn tối ăn tại dốc Vân (riêng đi cùng Anh Đệ - cũng Phó tổng - không được ăn, phải ăn ở nhà cả hai bữa), phía bắc cầu Đuống. Khi đó dốc Vân là một đoạn cong hẹp, một bên là đê sông Hồng cao hơn mặt đường khoảng hơn 1m, một bên là cánh đồng trồng mầu hoặc bỏ hoang thấp hơn mặt đường đến ngoài 3m. Bên thấp không vướng đê nên có khoảng năm quán ăn làm bằng gỗ, tre, sàn bằng mặt đường được đỡ bằng cột ở phía thấp. Lúc đó đi công tác rất vui vì được uống một, hai cốc bia hơi, được ăn sáng, ăn tối có thêm thịt, nhiều rau, nên được đi công tác là vinh dự : Đi công tác cơ mà. Lại đi công tác cùng Phó tổng nhé, rất oai, vài nhân viên đi cùng nhau đã oai rồi. Khi ấy Phó tổng là cái gì lớn lắm, Ô ấy chỉ ngồi ở phòng làm việc, chỉ vài nhân viên cao cấp, phải từ Phó phòng trở lên, Giám đốc Xí nghiệp thành viên mới được tiếp xúc nhiều, Phó giám đốc XN cũng ít khi được tiếp. Khoảng cách vật chất chắc cũng gần như bây giờ, ăn uống và sinh hoạt thì khác ít, nhưng một căn nhà ngói ba gian thì cán bộ, nhân viên khi đó chưa mơ, nên chẳng nghĩ, vả coi căn nhà là mặc nhiên nên ít nghĩ, chưa thắc mắc như nay. Cái trạng thái tâm lý một phần do ý thức xã hội, lãnh đạo thì có nhà nhà nước là rõ ràng, vật chất ít đến mức chẳng có gì để so sánh, đủ gạo ăn đã chả dám nghĩ tới thì nghĩ cái gì nhỉ?. Về giàu nghèo lúc ấy mình luận giải là này, giả sử là gấp 20 lần, nhưng 20 lần 1 chỉ là 20, 20 lần 100 thì là 2.000; 20 - 1= 19; 2.000 - 100 = 1.900; Khoảng cách giàu nghèo có tăng, nhưng thực ra hồi bao cấp lãnh đạo cũng đã có tiêu chuẩn trên và trốc rồi. Ngày nay lại thêm vật chất đa dạng và lối sống vô bờ nên người dân có nghĩ nhiều hơn, săm soi hơn. Là nói vậy, giờ quay lại chuyện đi công tác. Một buổi tối vào ăn ở dốc Vân, mấy anh em vẫn gọi như mọi khi và ăn bình thường. Chợt ở bàn bên có tiếng nói to : bở lắm, vứt, và tiếng văng tục : Đ.. ăn nữa, bở thế này đ.. thèm trả tiền. Mấy anh em cùng nhìn sang thì thấy mâm đó có ba người bặm trợn, có vẻ là dân đào vàng, trên mâm có một đĩa to giò lụa kèm mấy miếng ăn dở xóc trên đầu đũa lăn lóc trên bàn. Trời ơi, giò lụa sao thái miếng to thế, giò lụa mà chê bở, đến Phó tổng của ông mày mà không dám gọi giò lụa, mày chê bở???. Tất nhiên không ai nói gì (kể cả Ô Phó tổng Khiêm), nhưng sau khi mồn chữ O, mắt chữ A, mọi người im lặng ăn, xong, lên xe và im lặng đến khi về tới cơ quan, lấy xe đạp, đạp về nhà vẫn trong im lặng. Khác hẳn với mọi khi, được ăn ngon xong, lên xe chuyện chả nở như ngô mở ống nổ ngô.
Giò lụa của ngày hôm qua, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Ở nước mình, những vấn đề đó là do thiết kế xã hội mà nên chăng. Khi xã hội đóng cửa, những người dám lách cửa, liều mạng đi đào vàng có giò lụa ăn và chê bở. Ô Phó tổng đủ ăn và có căn nhà ngói ba gian. Người dân thiếu ăn, ăn hột bo bo, ăn sắn chạy nhựa và có gian nhà trát vách thủng lỗ. Tỷ lệ giàu nghèo là bao nhiêu, lúc ấy chưa định giá bằng tiền, nên đâu có tỷ lệ, ai tính được nhà ngói ba gian gấp mấy lần nhà trát vách thủng. Nhưng mọi người chắc công nhận là khoảng cách ấy không nhỏ.
Đến nay vào cơ chế "mới" rồi, tiên tiến rồi, cập nhật hiện đại rồi, kinh tế thị trường định hướng rồi. Giò lụa hôm nay người dân được ăn nhiều, cũng có lời chê "bở", người dân đã có nhà mái bằng hai, ba tầng. Ô Phó tổng được giao hàng ngàn tỷ đồng (vốn nhà nước) nên có cuộc sống cũng sung túc, giò lụa đã là giò khác xưa rồi, nhà cửa và lối sinh hoạt thường nhật (thôi chẳng kể nữa) và khối tài sản (cũng nói làm gì) cũng rất khác xưa (riêng tài sản trong nhà - Chỉ có trộm mới biết tiền nơi đâu, vàng đâu, chỉ có trộm mới hiểu cần tìm đâu, lấy đâu - Báo đã đăng nhiều vụ trộm nhiều tỉ tại nhà các tướng và các quan.). Những người làm nghề tự do được lách luật (do là thân nhân, họ hàng của Ô Phó tổng) thành lập doanh nghiệp, cũng rất giàu, sân sau mà. Ô Phó tổng hàng ngày vẫn chăm chỉ làm việc, chăm chỉ ký hợp đồng ở sân trước, chuyển tiền của doanh nghiệp (nhà nước - tất nhiên rồi) thuê doanh nghiệp ngoài nhà nước, những đối tác tin cậy đã được định hướng (thân nhân mình, họ hàng mình mà không tin cậy nó sao, không định hướng vào nó thì định hướng vào đâu? Cây cao bóng cả làm chi. Che cho Con, Cháu, Chú, Dì, che ai?). Rất vui vẻ, tự nhiên, quần chúng, không tách biệt như xưa nhưng cũng rất nguyên tắc. Nói to, rất nghiêm túc : Này làm xong chưa,  phải đảm bảo tiến độ, chất lượng đấy. Cẩn thận nhé? cẩn thận vào???. Ô chủ doanh nghiệp đối tác đến nhà riêng Ô Phó. Thưa Bác, lần này Cháu gia công cũng được, cũng có lãi, Mẹ Cháu bảo Cháu thăm Bác, dạ, đây là phần công lao to lớn của Bác ạ. Ừ, để đấy, chuẩn bị đợt mới phải cẩn thận nhé, cẩn thận vào, cẩn thận không thừa đâu, làm ăn ngày càng khó, bọn nó để ý nhau nhiều hơn, thôi về đi, nhớ cẩn thận đấy. À này, Mẹ Cháu có khỏe không? Khỏe ạ, Mẹ Cháu vui lắm ạ. Vui là tốt rồi,! (Ờ mà thích "làm Dì" thì phải "trồng cây Dì" và "nuôi con Dì" thôi, nuôi nhưng sướng). Ông đã rất cẩn thận, cẩn thận hơn xưa nhiều, xưa không đọc cũng có thể ký được vì có "giò" đâu mà ăn, bọn cấp dưới chỉ thuần kỹ thuật có dám lừa đâu. Nay "ăn" giò khác nên phải cẩn thận, vả bọn cấp dưới cũng cần "giò" nên có thể lừa, cẩn thận vẫn hơn. Nay làm việc không oai, không thoải mái vô tư như xưa, được cái ngoài "giò" cố định, ngày nay rất nhiều "giò" lưu động, "giò Dì" cũng nhiều, cũng đáng công cẩn thận. Nhưng thậm chí về hưu rồi cũng chưa xong, đấy như thằng cha (lời của Ô Phó tổng - không phải mình, mình ít tuổi hơn, nên không gọi vậy được) Truyền đấy, vẫn kiểm tra, thanh tra lại tài sản đấy.
Nay xã hội tiền tệ hóa rồi, cây chỉ rồi, đời sống hơn xưa rồi, có ăn, có học rồi, "giò" nhiều lắm rồi. Nhưng người dân cũng biết nghĩ và so sánh rồi, biết cách phát hiện, tố cáo rồi. Họ bảo người giàu rất cần thiết cho quốc gia, nhưng người giàu phải là đầu tàu, phải kéo theo cái gì đó, phải làm giàu cho quốc gia, giàu vì phát minh, giàu vì làm chủ công nghệ tiên tiến. Như Bill Gates ấy, làm chủ công nghệ thông tin, sản phẩm bán trên toàn thế giới, kéo theo nhiều việc làm, đóng thuế lớn cho đất nước. Ở ta, như nguyên tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền bị xác minh tài sản, như nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô hô, tô hô cả "khúc giò" riêng và tô hô cả nhà khủng, cũng giàu nhỉ?. Những người giàu ấy, giàu theo kiểu ấy, ở ta nhiều lắm rồi, nhiều hơn hẳn các nước phát triển, nếu thua, chỉ thua ở nước Nga hậu Xô viết, thua ở Trung quốc mang màu sắc riêng thôi, không phân biệt mèo thôi. Có nghèo lắm một dân chúng của quan tổng Thanh tra, của quan đầu tỉnh ấy không?. Có không? mà quan tổng, quan tỉnh ấy giàu vậy.
Ngày nay. Giò lụa đã là một cái gì khác trong ngoặc kép, đã không còn là món tết âm lịch mới có mà đâu có với mọi nhà. Hồi ấy dù hết răng vẫn có thể nhai nhóm nhém một lát giò để thưởng thức, để thỏa mãn và mãn nguyện dù chỉ là ngậm vào. Đến nay, có thể là những khúc "giò lụa" như này, thèm nhỉ, vẫn thèm nhưng xơi được không? là hỏi tôi ấy, huống hồ Anh Khiêm đã ngoài thất thập. Nhưng Anh à, Anh còn thèm được không?
Đã đến lúc :
Ăn giò, ta chỉ ăn bằng mắt
Đếch nhúc nhích chi một tiếng khà.(*)
Đã đến lúc "đếch nhúc nhích chi" chưa những Anh bạn hưu của tôi :
Những là Tăng Tuấn, Hồng Hoài
Những Tân với Tạo đã ngoài ấy chưa?
Thế đấy. Cuộc sống với luật sinh - tử, thành ra : Lúc thèm giò này thì không có mà ăn, đến lúc nào đó, vẫn thèm nhưng không xơi được, lại đến lúc bày ra cũng chả thèm được nữa. Nhưng con người mà, hầu hết đều tìm mọi cách tích lũy các loại giò, "giò Dì" cũng tích, cứ tích vào, tích đấy, tích cho thỏa cái sướng. Dù cho :
Há mồm chỉ thấy lợi thui
Xung quanh chất ngất giò đùi, giò chân.
Thật là nghịch cảnh, Giò lụa.
Chú giải (*) : Xin nhại thơ Nguyễn khuyến :
Xem hoa, ta chỉ xem bằng mũi, 
Đếch thấy hơi hương một tiếng khà.
Trong bài Sơn trà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét