Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

MẸ.

Thật ra là một suy tưởng cho chính mình, nhưng Tôi dùng Mẹ như một ẩn dụ cho vợ tôi, Mẹ của các con Trai, con Dâu tôi và Bà của cháu Nội.
Một ẩn dụ trong chuỗi suy tư liên tưởng thì không thể lôgic, có khi không liên tục nữa. Nhưng viết để xả ra, thì dù nhẹ hay nặng lòng thêm cũng viết.
Sau khi vợ mất vì tai nạn giao thông năm 2006, cũng đã có một vài suy nghĩ dạng này :

 Em.


Áo thêu rồng phượng mà chi
và nhiều hoa nữa làm gì hả Em?
Rất nhiều Cha, Chú viếng Em
Trời ngây ngô vậy, thử xem lòng người?

Anh cần tiếng nói của Em
Con mong hơi ấm Mẹ đem trong lòng.
Anh và Em với các Con
Cùng cần nhau ở bữa cơm cơ mà!

Phận mỏng, duyên Em dầy lắm
Cả cuộc đời này đằm thắm Anh yêu.
Chờ Anh, Em nhé chờ nhiều
Việc xong Anh sẽ, nhiều điều cùng Em.
Ngày 13/10/2006 (ba ngày)


Không uổng.


Cái khay Em mua: “mang cho tiện”
Giờ thành khay cơm cúng hàng ngày
Cần mẫn chỉn chu, con Em đấy
Em không thiệt thòi, nó giống Em
Ngày ba bữa, dâng cơm cho Mẹ
Và nhẫn nại, bón cho em Quang
(Lại mua thêm chè ngon cho Mẹ:
Ăn cơm xong, Mẹ uống đã quen)
Vui đi Em, đã là không uổng
Công sinh thành, dạy dỗ của Em.


Giật mình.


Làm sao thế? giọng Em thảng thốt!
Gọi tìm Anh, đường đột giữa khuya
Đêm lặng quá, bàn thờ vẫn thế
Hương vẫn đỏ, tim đèn vẫn lửa
***
Nhưng trời ơi, mắt Em ngấn lệ
Nhớ Con nhiều, đau xót lắm không?
Chăn vẫn đắp, con đang ngoan ngủ
Con bên Anh, Anh cạnh Con mà.



Giữa


Trong bàng hoàng, Anh chợt tỉnh ra
Giữa ớn lạnh, thấy mình có lửa
Giường dài rộng lại Anh nằm giữa
Nối các con với phía Em không

Trong nhói đau, hiểu rằng mất mát
Giữa quẫn cùng, thấy mình cần sống
Làm gạch ngang nối giữa âm dương
Giữa Con mong với phía Em trông



Cái gạch ngang Anh, nặng quá hai đầu

Giữa đến và đi, giữa không và có

Giữa trách nhiệm và tình em đâu dễ

Không thể sẻ chia, chỉ giữa thôi

Cái gạch ngang Anh, cái giữa …cuộc đời
Như giữa mọi người. mọi người ở giữa
Như giữa đất trời, đất trời ở giữa
Anh ở giữa Em, Em ở giữa Anh.
Một vài vậy nhỉ, mình viết nhiều mà.

Đến nay đã giỗ thứ bảy vợ rồi, tôi đã về hưu, sức khỏe đã giảm sút, năng lực đã cạn, nói cách khác đã sang bờ phía vợ rồi, gần rồi, muốn quay đầu cũng không thể nữa, chỉ đến thôi . Những suy nghĩ đứt đoạn này đã là gần cuối rồi, không dừng được nữa, không nghĩ khác được nữa, chỉ nghĩ tiếp thôi, nghĩ tiếp thôi. Xin đọc về những nghĩ này tại  NHƯNG.    và  CHO CON. , để tiếp thôi.       
Khi con trai lấy vợ, nghe nhiều lời bàn về việc nhà của những người thân hoặc bạn bè. Nhưng tựu trưng lại là, con dâu không phải e dè vì mẹ chồng? Con dâu thiệt thòi vì không còn mẹ chồng?. Những e dè hay thiệt thòi ấy cũng đang qua, tôi cũng không nhận biết được là đã ra sao, thế nào. Không e dè ư? cũng đúng, những hôm bác giúp việc đi vắng, bố vẫn dậy nấu cơm sáng được mà, vẫn chăm sóc được em Quang với sự giúp đỡ của Dương mà, và Con thì đang ngủ. Thiệt thòi ư? cũng đúng, những ngày mới sinh cháu nội, Con đã không nhận được sự giúp đỡ của Bà, nhưng bà Cô cũng tận tình mà, lại Bà ngoại nữa, cũng Mẹ mà. Mọi việc diễn ra tự nhiên nhi nhiên theo các con, theo lối sống của các con. Các con là đương, Bố là đã, cách sống của các con, các con cứ sống. Bố hiểu rằng, không ai có thể dạy được ai cách sống, lối sống, chỉ có thể bị ảnh hưởng tự nhiên hoặc tự học theo thôi, Bố cũng thế, con cũng vậy và Mẹ cũng chung nếu Mẹ còn. Không nhận biết vì không phán xét, không cận nghĩ, vậy thôi. Không nhận biết vì không đánh giá, không gọi nó ra một cách cụ thể theo xã hội, theo định kiến chủ quan của Bố.
Nay cháu đã hơn một tuổi, đi lại được rồi, đã không gọi là bế cháu, đến lúc gọi là trông và chơi với cháu rồi. Nhà nghèo, nhưng Ô yếu không chăm được cháu nên nhờ người giúp cháu, cũng tốn kém thêm trong hoàn cảnh thu không đủ bù chi. Cũng nghĩ, nhưng vì tương lai của cháu nên tặc lưỡi, học phương tây, đến lúc chết là hết tài sản, chỉ để lại thằng người kế tiếp, học phương tây nhỉ, không học cũng không được nữa, đến thế rồi mà, an ủi mà chi. Hai người giúp việc cho hai đứa, một đứa Con bại não bẩm sinh, một đứa Cháu vừa sinh nhật, cũng nghĩ, vì Bố đang lo toàn bộ chi tiêu trong nhà, cũng tặc, ... tặc.
Tới đây, bán nhà, bán nhà. Trả nợ rồi chia thừa kế, chia xong khuyến khích con ở riêng, bảo lưu quyền ở cùng Bố, nhưng Con phải là chủ gia đình. Khi đó chắc lương của các con cũng khá rồi, đủ cho hai con và cháu sống tốt rồi. Còn Bố, mua một ngôi nhà vườn nho nhỏ, hơi xa lộ to, khuất sau nhà lớn, nhưng không khí phải sạch, không thể dừng thở được, các thiệt thòi quy vào mua không khí, mua không khí ấy mà, thiệt gì? Nếu lương hưu Bố sống kham khổ mà vẫn khó cho Em, lại vay mà sống, học tây phương mà, sợ chi. Nói là không nghĩ vậy thôi, vẫn chạnh lòng Con ạ. Chạnh lòng khi bộ quần áo mặc hàng ngày của bố được bỏ riêng ra, không giặt cùng mẻ trong máy giặt, "cháu bảo của Ô nặng mùi, để giặt riêng", là Bác giúp việc cho riêng Cháu nội nói vậy. Không thiển cận, chả hỏi lại Con làm gì? nhưng nghĩ và chạnh lòng. Vẫn biết sẽ vậy, sẽ đến lúc ấy, nhưng nó đến ở tuổi 60 của Bố, vẫn chút chạnh lòng. Ờ thì Mẹ nhận hoa trắng rồi, bố thì đỏ nhạt dần, gần trắng. Gần trắng nên tự nhiên tự nghĩ, vẫn nghĩ, nghĩ an ủi rằng mua không khí ấy mà, sống hết là hết ấy mà. Bao giờ trắng thì hết nghĩ, không khí sạch mấy cũng chả dùng được nói chi mua, như Mẹ mà. Hoa trắng ngày rằm tháng bảy của Mẹ và của ... .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét