Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

LÁT CẮT. ĐỨT GÃY.

Có những lát cắt chắn ngang dòng chảy lịch sử và làm đảo lộn tất cả. Cách mạng tháng mười Nga đang được bàn luận tại nước Nga là ví dụ. "Hãy tự hỏi: ngày xưa đó liệu có thể đi theo con đường tiến hóa thay vì cách mạng? Liệu chúng ta lẽ ra có thể từ từ, tiệm tiến đi tới thay vì phải trả giá là phá hủy nhà nước, và tàn nhẫn tổn thương hàng triệu sinh mạng.
Tuy nhiên, mô hình xã hội và ý thức hệ nói chung không tưởng đó, mà nhà nước mới thành lập cố gắng thực hiện lúc đầu sau cách mạng 1917, đã là đầu máy chuyển hóa mạnh mẽ trên toàn thế giới (điều này là rõ ràng và cũng phải thừa nhận), cái mô hình đó đã khiến người ta phải đánh giá lại các mô hình phát triển, tạo ra cạnh tranh và mâu thuẫn, từ đó có lợi ích mà theo tôi phần lớn do phương Tây được hưởng. Tôi đang không chỉ nói về những chiến thắng địa chính trị sau Chiến tranh Lạnh. Nhiều thành tựu phương Tây của thế kỷ 20 là phản ứng trước thách thức của Liên Xô. Tôi còn đang nói về việc nâng cao chất lượng sống, hình thành giới trung lưu mạnh, cải tổ thị trường lao động và không gian xã hội, thúc đẩy giáo dục, đảm bảo nhân quyền gồm cả quyền cho người thiểu số và phụ nữ, vượt qua phân biệt chủng tộc mà quý vị nhớ đã từng là hành vi xấu hổ ở nhiều nước kể cả Mỹ, chỉ vài thập niên trước đây."
Trích phát biểu của Putin. Theo : http://www.bbc.com/vietnamese/world-41891006
Một lát cắt đào gốc, trốc rễ. Thực tế là tiêu diệt cây đời đang xanh để thay bằng cây đời xám xịt, cây đời theo ý chí một nhóm người. Goethe : Mọi lý thuyết đều màu xám. Và cây đời mãi mãi xanh tươi; Quy luật hiển nhiên của tự nhiên. Con người sinh ra để sống sự sống tự nhiên, để sống trong xã hội tự nhiên người. Khi thay thế sự tự nhiên bằng mầu xám không tưởng, chính Putin đã thừa nhận : "mô hình xã hội và ý thức hệ nói chung không tưởng đó, mà nhà nước mới thành lập cố gắng thực hiện lúc đầu sau cách mạng 1917".  Cho dù sau đó luận thêm với biện minh là có lợi cho chỗ khác, một biện minh lảng tránh chính mình, quốc gia mình và nhân dân mình : Đã không tưởng! Hỡi ôi; Sự không tưởng của chính mình đã có lợi cho người khác? Hỡi ôi???; Thế.
Tưởng Giới Thạch đi học ở Liên xô về nhận xét "chế độ tiêu diệt người giàu thì lấy ai xây dựng đất nước", và đi theo con đường khác với Tôn Trung Sơn, dù khi đó là phó tướng số 1. Các nước theo chủ nghĩa cộng sản đều làm như nhau khi nắm quyền là triệt tiêu giai cấp hữu sản ở mỗi quốc gia, giai cấp (tầng lớp) này có thể là tư sản, quí tộc, đại địa chủ, địa chủ, phú ông, tri thức có tài sản, tiêu diệt họ để làm cách mạng vô sản. Đưa người hữu sản thành vô sản chỉ theo cách lấy không tài sản với nhiều tên gọi mỹ miều rất khác nhau, có nhiều người hữu sản bị giết chết để trưng tịch tài sản của họ, họ không có cơ hội sống để làm vô sản mà đã vô người. Ngày nay, khi nền kinh tế khá lên do thay đổi quản lý kinh tế mà thực chất là thay đổi bản chất vô sản của chủ nghĩa cộng sản, Nga; Trung quốc lại có nhiều tỷ phú, các tỷ phú đó được xếp hạng trên thế giới. Có điều là các tỷ phú này hình thành chỉ "trong một đêm" do chuyển đổi tài sản công sang tài sản tư, chẳng lao tâm khổ tứ gì? Tỷ phú do cổ phần hóa, do đa dạng kinh tế quốc doanh, làm ngược lại với "đêm qua" đã quốc hữu hóa - giành lại tài sản cho công nông. Chẳng cần vài đời lao động kinh doanh để đạt đến một mức tích lũy tài sản lớn, tỷ phú hôm nay là tỷ phú của cơ chế. Nhìn lại thực sử thấy, các tỷ phú đều được hình thành qua nhiều đời, nhiều thập kỷ, thậm chí vài thế kỷ. Ở Việt nam các địa chủ ngoài bắc, phú ông trong nam đều có hàng trăm năm hoặc hơn mới có lượng tài sản vậy, so với bây giờ lượng tài sản đó là nhỏ, rất nhỏ. Ngày nay các quan chức và doanh nhân sân sau, giàu cực nhanh, với tài sản cực khủng. Tướng Nguyễn Xuân Tỷ phát biểu tại Quốc hội ta : “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Xin chép lại " ...  cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa” - Kinh khủng hơn thứ mình đã đánh đổ, đã tiêu diệt, kinh khủng hơn người đã từng bị mình khinh bỉ, đã từng bị mình tịch thu tài sản. Xét theo tốc độ hình thành thì rõ ràng người giàu các thế hệ trước hình thành chậm, nếu có bóc lộc cũng chậm hơn rất nhiều so với tỷ phú được hình thành nhanh, bằng quyền lực "Làm cán bộ mấy năm" như này, tốc độ bóc lột quá nhanh, cực nhanh, hành động bóc lột bẩn thỉu, tàn nhẫn, vô lương. Và câu hỏi lớn hình thành : Chủ nghĩa cộng sản có triệt tiêu giai cấp hữu sản hiện nay để làm cách mạng vô sản?
Nhân chuyện bà Hoàng Thị Minh Hồ, từ trần, cái lát cắt tài sản lại nổi lên, nổi toàn diện bản chất qua việc mượn trả một ngôi nhà, ngôi nhà duy nhất làm sáng rõ bản chất của lát cắt. Điều oái oăm nhỏ nhoi vô thường của lịch sử là chính sách cải tạo công thương ở miền Bắc (1958 - 1960) thực hiện sau giấy mượn nhà, sau khi lòng yêu nước đã được chứng minh. Việc hiến vàng, tiền, của cải cho cách mạng đã xảy ra từ 1946, việc mượn nhà đã xảy ra vào 1954, cả hai việc được công khai. Há miệng mắc quai, cái quai ông bà Trịnh Văn Bô; Hoàng Thị Minh Hồ, quá lớn, lớn đến mức một chính thể  cũng không thể nhai nhuốt được. Cái trớ trêu nhỏ nhoi của lịch sử đã vô tình tạo cho Ông-Bà vóc dáng lớn lao không thể thủ tiêu, không thể quy tội để xử giết, vóc dáng lớn bổng bất ngờ qua việc hiến tài sản và nuôi chính phủ, vóc dáng người thật, việc thật đã mang hình hài vóc dáng trong truyền thuyết Thánh Gióng. Khác với Ông-Bà, nhiều nhà tư sản yêu nước có kích thước lớn, thậm chí lớn hơn lại không có được vóc dáng đó nên đã bị quy tội, bị xử bắn, xử chém hoặc xử thủ tiêu. Bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm là ví dụ. Cái kích thước lớn sau bao năm âm thầm hiến tài sản, nuôi dưỡng quân đội, nuôi dưỡng các loại cán bộ, tiếp tế cho cách mạng đã không đủ "vóc dáng" để giữ được tính mạng mình. Chính sách cải tạo công thương (thu giữ nhà cửa, hàng hoá, tài sản, tiền bạc) lại không thể đổi thay, chưa thể hồi tố để giữ được mạng sống cho bà chứ nói gì đến tuyên dương khen thưởng, nhìn nhận công lao. Cũng lịch sử. Thật là! Một nén nhang thơm cho bà Minh Hồ, một nén nữa cho bà Nguyễn Thị Năm, Rất nhiều nén nhang cho những người đã sống và "chết" vì cách mạng. Và câu hỏi lớn : Nén nhang nào cho lát cắt tài sản mà sau đó có qui mô rộng lớn gấp bội sau này ở người thắng trận?.
Lát cắt văn hóa còn đau hơn. Chế độ cũ là "thối nát" là "bót lột tận xương tận tủy"; Cha, Ông là "phong kiến", là tối tăm; Chùa chiền, đình đền là cổ hủ, lạc hậu; Các loại hình văn hoá phi vật thể bản địa còn được nhân dân gìn giữ lưu truyền đến lúc đó là mê tín, dị đoan; các thể loại văn hoá hiện đại là đồi truỵ, phản động. Chỉ duy nhất mình tiến bộ, vinh quang, lương tâm thời đại. Các lát cắt về xã hội đã dẫn đến những đứt gãy về văn hóa từ tên gọi đến cách làm. Các công trình văn hoá vật thể và phi vật thể lịch sử được chỉ đạo phá, xoá hết, xoá sạch chỉ vì nó "cũ", nó thuộc về chế độ "cũ". Các công trình văn hoá mới đã được cưỡng bức xây dựng theo ý chí văn hoá, bưu điện văn hoá, nhà văn hoá, xóm văn hoá thì "rất" văn hoá như nay đang thấy. Văn hoá tự hình thành, tự nhiên có, được lưu giữ trân trọng, được bảo tồn và phát triển theo dòng lịch sử sống của cộng đồng người thì phá, xoá; Văn hoá ý chí nhóm người thì được xây, được dựng, được mô hình hoá bằng ngân sách, được nhồi nhét cho dân (bàn giao mô hình lễ hội cho dân - Ờ há). Định nghĩa văn hoá mới? Cũng lịch sử. Thật là.
Nếu lịch sử được hình thành qua các đứt gãy! Thì lại đứt gãy nữa chăng?
Nếu lịch sử được hình thành qua các trơn trượt! thì trơn trượt mới có không? Trơn trượt cách nào nếu không hồi tố!
Lịch sử một dân tộc. Lát cắt. Đứt gãy.
Câu vuốt : Lịch sử tự nhiên là chọn cái ít xấu hơn Pu nhỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét