Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

ĐÚNG. ĐIỀU ĐÓ ĐÚNG.

Xin trích một đoạn trong bài : Giữ cái gì? Của TS Nguyễn Thị Từ Huy :
"Trong bài này, tôi đưa ra một nguyên nhân để lý giải cho hiện tượng vừa nêu ở trên (trong khi luôn ý thức được rằng có nhiều nguyên nhân khác nữa) : các nhà bất đồng chính kiến không/chưa được ủng hộ rộng rãi, lý tưởng tự do dân chủ không/chưa được ủng hộ rộng rãi ở Việt Nam, vì người ta ai cũng còn những thứ « phải giữ »."
Điều đó đúng, thật sự "phải giữ", giữ cuộc sống chứ bỏ làm sao được.
Chị Từ Huy hãy cùng nghĩ xem :
Cả gia đình đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, không giữ sao được. Mất việc là mất cuộc sống, mất cái tự do tối cần đầu tiên của cá nhân rồi : Sống. Chưa kể làm khó thêm cho gia đình, cho Cha, Chú họ hàng đã từng cưu mang giúp đỡ mình đôi khi trong cuộc sống, vì họ bị làm phiền.
Cả gia đình làm ngoài nhà nước ư? Ngoài nào? Doanh nhiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài ư? Cũng khả dĩ, nhưng chưa chắc đã ngoài liên can, ngoài tầm với của nhà nước. Một vài người không bị đuổi việc đổi làm sao được quyền lợi của doanh nghiệp trong những liên can ấy. Có thể đuổi nếu đổi được quyền lợi. Ngoài nào? Doanh nghiệp tư nhân à, quá dễ, một cái "búng nhẹ" là doanh nghiệp co vòi ngay, là đuổi việc ngay, nếu không đuổi thì doanh nghiệp phá sản sao? Vì một người, vài người sao để doanh nghiệp phá sản? Lại nữa nếu cưu mang người mà doanh nghiệp bị phá sản thì cưu gì? mang gì? Xin bàn thêm tí về doanh nghiệp tư nhân ở ta. Có hai loại doanh nghiệp (không phân theo luật doanh nghiệp nhé), loại có Cha, Chú đứng sau và loại tự thân vận động. Loại có Cha, Chú đứng sau lợi nhuận vô cùng cao, phát triển vô cùng nhanh, thậm chí thành công ty, tập đoàn lớn trong vài năm trời (Cha, Chú trong các trường hợp này bao gồm cả nhóm lợi ích đấy). Loại tự thân vận động trong thị trường, lợi nhuận thấp, phát triển rất chậm tạm gọi đủ ăn là tốt, tự lao động chân tay và đủ ăn, quí rồi. Cả hai loại doanh nghiệp tư nhân này ai dám cưu mang. Cuối cùng chỉ còn tự thân vận động ư? Đi lại tự do còn chưa có, còn có vài ba đồng chí đi theo, nói gì làm đủ ăn Chị nhỉ. Nói thêm thế này, Cha, Chú thì thành người giàu, đại giàu rất nhanh, có trong tay hàng chục, hàng trăm triệu đô, hàng trăm hecta cao su. Trong mấy ngày này, dân mạng đang bàn về cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất, với nhiều lời, nhiều cách bàn. Tôi không biết mấy trăm năm, bao nhiêu đời liên tục, địa chủ mới thâu tóm được từng ấy đất đai, từng ấy của cải theo các ảnh trưng bày trong triển lãm. Nhưng tất cả chúng ta cùng biết, chỉ sau khoảng 20 đến 25 năm (từ khoảng 1990 tới nay) đã đủ cho Cha, Chú ấy lao động "cực nhọc" để có tài sản lớn đến vậy. Chúng ta đều biết địa chủ ăn uống tằn tiện, làm lam lũ như thế nào qua chuyện kể, lại cũng đang thấy Cha, Chú ngày nay có cuộc sống trên tiền ra sao. Chuyện nói thêm này đang là động lực cho dân chủ, chuyện bàn ở trên về công ăn, việc làm và thu nhập lại cho thấy cái động lực ấy chưa đủ. Thế đấy, thế đấy. Một lẽ.
Bản thân Nhà nước Việt nam như tôi đã trình bày trong THUẾ 1.  THUẾ 2.  THUẾ 3.  cũng chưa hẳn phải dựa vào dân trong chi tiêu vật chất, chưa hẳn do dân trong bầu cử tự do. Và do vậy đang vận hành theo chủ thuyết của mình, đang hiểu về dân trong tư duy của chủ thuyết đó, đang làm cho dân theo cách hiểu đó : Nhà nước quản lý (Xin không đề cập đến các lỗi, các việc làm cho dân theo số ít). Một nhà nước đang có số liệu để tự đánh giá là tốt (80% người dân hài lòng về dịch vụ công), nếu không gọi là rất tốt. Cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần lành mạnh. Một cơ thể nhà nước và công dân ở Việt nam ta chưa thể gọi là cơ thể hoàn chỉnh, thậm chí một nền kinh tế kiểu ấy mới chỉ có thể gọi là đang hình thành, tức cơ thể đang hình thành. Cái nền kinh tế chưa gọi được tên, chưa có qui luật, cái nền kinh tế số hóa bằng tay, gõ thế nào cũng được như ta đang thấy về số liệu thống kê mà mọi người bàn cãi, cái số liệu vĩ mô mà chính xác đến hai chữ số sau dấu phẩy (1,84% thất nghiệp). Nền kinh tế đang dùng số liệu thống kê của cả Sư và Vãi. Cái cơ thể Việt nam đang hình thành ở cả hai thành tố của một quốc gia, người Dân và Nhà nước. Dân đang lo ăn mặc, đang tập học hành (đang cải cách giáo dục, đang thử thi một kỳ, theo tôi thì đang nhận thức về giáo dục) nên chưa nói nhiều và làm ngay cho dân chủ được. Nhà nước đang tự xây dựng Hiến pháp (mặc định là của Dân, do Dân tự làm), đang lo xây dựng các Luật (mặc định là do Quốc hội xây dựng), đang lo quản lý các Tập đoàn, Công ty kinh tế (mặc định là Tập đoàn, Công ty tự lo theo luật, Nhà nước có thể thuê theo các Hợp đồng đơn lẻ). Nghe thì đắng chát nhưng là thực, là thật cho cả người Dân và Nhà nước, hai chủ thể trong khế ước xã hội hình thành thực tế, chưa ký kết. Một cơ thể đang khỏe lên, một tinh thần đang lành mạnh lên theo hướng tự thân. Tôi có cảm giác cơ học như này, một bố mẹ lo cho con theo ý mình và tự đánh giá là rất yêu thương con, một con mới lớn nên biết cằn nhằn và có lúc cãi lại, nhưng vẫn chưa đủ lực (cả vật chất và hiểu biết) để tự ra sống theo ý mình (bàn về số đông) - Tất nhiên cảm giác cơ học này là khập khiễng, không có bố mẹ và con cái trong một khế ước. Thế đấy. Hai lẽ.
Những điều bàn này chỉ đang về hiện tại, chưa nói tới khuynh hướng tương lai, chưa bàn đến tốc độ hướng tới dân chủ. Chả chủ thuyết nào qua nổi, bằng vào chủ thuyết nhân dân, như trong  THÀNH CỤ. đã viết để cùng tâm sự với bạn học chung từ 45 năm trước (có bạn học từ 1966, 48 năm rồi). Một đời đã trôi. Nhưng dục tốc bất đạt, dân chủ là hướng tới của tất cả các Quốc gia trên toàn thế giới cho đến lúc này. Hướng tới Chị Từ Huy nhỉ, hướng tới nên phải giữ. Đúng phải giữ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét