Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

CÙNG CÁC GIÁO.

Mình đã xin phép Hiệu Minh đưa bài về Blog này để các Bạn Giáo của mình đọc cho tiện. Mình cũng xin đưa một nhận xét về đây : "Rồi thằng cháu tôi dù được trợ cấp, không phải đóng tiền ăn nhưng tiền trợ cấp được nhà nước bỏ vào tài khoản là tấm thẻ ăn hàng ngày giống hệt như những học sinh được bố mẹ đóng tiền. Vì thế mà khi ăn đưá nhà giàu cũng như đưá nhà nghèo, đều dùng tấm thẻ y hệt nhau và không phân biệt đối xử. Nghe kể chuyện đó rồi nhớ lạihình ảnh những học sinh ở Việt Nam bị nhốt ở ngoài, thậm chí bị đuổi ra khỏi cổng vì bố mẹ chưa đóng tiền ăn, tiền học tôi lại ứa nước mắt. Ưu việt hay không haỹ nhìn từ cách người ta đối xử từ đưá trẻ trở đi."
Nếu nghĩ kỹ thì bài mình vừa đăng  THAY MẶT.  vẫn có ý cho trường hợp này, học sinh là đáng "thay mặt" nhất, ai thay cũng được. Vì ta đã cho nó cái mặt (quyền con người) đâu? Nó là đối tượng của giáo dục mà! Nó phải được giáo dục mà! Nó phải được dạy dỗ mà!
Cũng xin các bạn nên đọc tại Blog Hiệu Minh và đọc thêm đủ các comment để thấm.


Cu Bin tốt nghiệp cấp 1

Lễ tốt nghiệp cấp 1 Ashlawn. Ảnh: HM
Lễ tốt nghiệp cấp 1 Ashlawn. Ảnh: HM
Mấy tuần trước, vườn nhỏ trước nhà tôi có tổ chim gáy đẻ hai trứng và hơn một tháng vợ chồng thay nhau ấp, nở ra một đôi chim nhỏ. Ngày nào tôi cũng ra ngắm hai chú chim xinh xinh lớn từng ngày. Một chiều đi làm về, cái tổ trống không. Đàn chim con đã đủ lông cánh và bay đi. Một sự kỳ lạ, thời gian ấy, học sinh cũng tốt nghiệp, ra trường.

Trường Ashlawn
Cu Bin học ở trường này từ mẫu giáo, lúc chẳng biết một từ tiếng Anh bẻ đôi. Bị tự kỷ, con phải đi trên chiếc xe dành cho người khuyết tật đưa đón hàng ngày. Cứ nghĩ sẽ khó mà vượt qua. Vì học phát âm chữ S mà mất 2 tuần. Thế mà hôm nay đã 6 năm trôi qua.
Trường Ashlawn có học sinh tới từ 30 quốc gia và nền văn hóa khác nhau, trong đó vài chục học sinh từ Việt Nam (cờ vàng và cờ đỏ), nằm trên một khu đồi rất đẹp, có sân bóng rộng, bên cạnh là khu thể thao. Cha mẹ trong trường khá thân nhau, có thể gọi tên theo kiểu bạn bè vì quen biết.
Ashlawn thuộc hạt Arlington, số tiền tài khóa cho trường công trong năm 2014 của Arlington là 523 triệu đô la, lương giáo viên khoảng 74 ngàn/năm, chi cho một học sinh khoảng 18 ngàn USD/năm. Arlington có dân số khoảng 212 ngàn người. Da trắng chiếm 46%, La tin chiếm 27%, dân châu Á cũng gần 10%.
Thu nhập trung bình khoàng 104 ngàn/gia đình/năm, tỷ lệ học hành cao thuộc loại cao với 70 % dân có bằng đại học và 30% tốt nghiệp trung học. Nhóm trường công Arlington bao gồm Ashlawn được công nhận là 1 trong 9 trường xuất sắc của tiểu bang Virginia (Prestigious SPQA Medallion of Excellence)
Nhà trường theo đuổi mục tiêu giáo dục học sinh thành công dân toàn cầu (Global Citizen): chấp nhận mọi dân tộc, bảo vệ môi trường, giúp những người cần được hỗ trợ, và làm việc vì hòa bình (accept all people, protect the environment, help those in need, and work for peace.)
Trường cấp 1 Ashlawn. Ảnh: HM
Trường cấp 1 Ashlawn. Ảnh: HM
Khi tốt nghiệp, ngoài việc đạt các chỉ tiêu về kiến thức cơ bản, các em cần hiểu biết thế giới xung quanh, quan tâm số phận của người khác trên thế giới và cả trái đất các em đang sống, bằng những hành động nhỏ nhất. Lớp có những dự án như trồng cây, trồng rau, thăm người vô gia cư, đóng góp giúp người ốm đau, bệnh tật, nhiều dự án nhỏ như bài tập về nhà, xây dựng tổ chim, làm ô tô bằng giấy chạy pin.
Trường có khoa giáo dục đặc biệt, giúp các em khuyết tật. Cu Bin mắc chút tự kỷ, nhờ có chương trình này, hiện gần như khỏi hẳn. Chưa đạt được nhiều A nhưng Bin đã thành một học sinh bình thường.
Lễ tốt nghiệp cấp 1 của Bin
Nhớ năm 1964, bố của Bin và Luck tốt nghiệp lớp 4 trường Yên Hạ, thầy Tam làm chủ nhiệm. Lớp 1 học thầy Nơn, lớp 2 thày Lan, lớp 3 thầy Huấn. Cái trường ở làng Yên Hạ có mái nhà rất cao, có ngói vẩy.
Lễ tốt nghiệp được tổ chức ở sân trường. Học sinh lê la ngồi dưới sân, các thầy trên khán đài, ít có phụ huynh đến dự. Thầy chủ nhiệm lần lượt đọc danh sách. Lê Hữu Lập lên lớp, Nguyễn Văn Hành lên lớp, Giang Công Cua lên lớp, Nguyễn Văn Mỗ lưu ban. Nghe tiếng lưu ban, học trò khóc lặng, bố mẹ buồn thiu.
Như một sự trùng lặp của đất trời, cứ vào tháng 5, tháng 6, hầu hết các đàn chim non rời tổ,  cùng lúc với học sinh các cấp lên lớp mới. Đường phố DC, Virginia, Maryland ngày nào cũng thấy các em ăn mặc đẹp, mũ mão ngoài đường, vì đó là graduation day – lễ tốt nghiệp từ cấp 1, cấp 2 đến cả đại học.
Thứ 4 vừa rồi (18-6-2014) trường phổ thông cơ sở Ashlawn của Bin có lễ tương tự. Bố mẹ nghỉ làm để dự, từ sếp to đến quân bé. Hai năm trước, tôi bận công tác không tham dự lễ của Luck, không có ảnh, cứ tiếc mãi, không hiểu ở Mỹ họ làm như thế nào.
Trước đó cả tháng, trường đã gửi thông báo, ngày giờ, và trang phục của các em trong ngày đại lễ. Cấp 1 chỉ cần quần sooc, áo trắng, các em gái mặc váy dài, có em comple hẳn hoi.
Hội trường hôm đó đông nghịt vì phụ huynh và người thân đến dự. Gặp anh chị quen hồi ở Vienna cách đó 30km cũng đến dự vì em gái có con học và tốt nghiệp cùng với Bin.
Họ để một lối đi rộng. Bắt đầu là cầm cờ Mỹ và cờ của tiểu bang đi vào, tiếp theo từng đôi một, đi theo, bố mẹ đứng lên hoan hô. Các em ngồi trên ghế danh dự, bố mẹ ngồi dưới hội trường. Cô hiệu trưởng Judy Apostolico-Buck đứng trang nghiêm đón từng em.
Quốc ca Mỹ vang lên, rồi cô Judy đọc tên từng em lên nhận bằng tốt nghiệp cấp 1, với medal khoác lên cổ. Thấy Bin đi lên đàng hoàng, tự nhiên nghẹn trong lòng khi nghe cô hiệu trưởng tuyên bố “Các em đã tốt nghiệp”.
Hát quốc ca cùng cờ Mỹ và cờ trường Ashlawn. Ảnh: HM
Hát quốc ca cùng cờ Mỹ và cờ  tiểu bang. Ảnh: HM
Ngày xưa bố Bin ngồi dưới sân, nay con ngồi trên ghế danh dự. Hai thời đại khác nhau rất xa về quyền trẻ em.
Những bài hát vui do các em hát trong tiếng vỗ tay của mấy trăm phụ huynh và người thân đến dự. Một buổi lễ tốt nghiệp trang trọng và đáng nhớ. Nhiều cha mẹ giấu giọt nước mắt.
Khi liên hoan nhẹ, các thầy cô chụp ảnh lưu niệm với các em. Bin chọn cô Rose, người đã giúp rất nhiều trong việc chữa tự kỷ, nhất là phần đọc và nói năng.
Thầy Daniel Paris, chủ nhiệm, cũng thân ái với Bin, từng tặng cu cậu cái ảnh xe ô tô đua công thức 1 vì thầy Paris là người mê xe thể thao, từng cho Bin và Luck ngồi lên xe.
Ra chụp cho Bin cái ảnh có chứ Ashlawn, tôi nghĩ, mấy năm tới, sẽ là ngôi trường khác. Cứ thế, một hôm nào đó, mình chẳng còn tên trường để chụp.
Chuyến xe bus cuối của trường cấp 1
Ở Mỹ, ai đi trên đường thấy cái xem bus mầu vàng đặc biệt, đều biết đó là school bus – xe đưa đón học sinh.
Hôm nay 20-6, là buổi cuối cùng cu Bin lên xe bus của trường cấp 1 ở đường số 7. Từ năm sau, cu cậu sẽ không đi xe ấy nữa mà chuyển sang xe khác của trường cấp 2 đón cả hai anh em.
Đã thành lệ, sáng 7:15 tôi gọi Bin trên cái giường tầng, Luck nằm dưới, Bin gác trên.
Luck vào cấp 2, rất người lớn. Bố chỉ bảo nhẹ, con dậy ăn sáng và đi học. Cu cậu dậy ngay, không cần nhắc thêm câu nào. Ăn, xem tivi, chơi cố trên iPhone của mẹ vài phút, rồi lấy ba lô, đi giầy và “Con chào bố” bằng tiếng Việt. Tự đi, tự về, tự làm bài tập, ít khi phải nhắc. Thế mà toàn A, đang học lớp 7, theo toán lớp 8 cũng toàn A cả năm. Đi họp phụ huynh, chẳng bao giờ quá 5 phút.
Bin thì khác hẳn. Bảo đi ngủ sớm 10:00PM, vẫn nấn ná xem phim, vào giường còn cố nhật ký, chắc khoảng 10:30 mới ngủ. Sáng ra phải giả vờ nịnh, cõng từ giường tầng xuống, bảo đi đánh răng, ông ấy còn ngồi chán trong nhà vệ sinh mới tỉnh ngủ.
Suốt những năm cấp 1, gần như ngày nào bố cũng đưa Bin ra bến xe. Nhưng năm nay, ông ấy bắt đầu không thích đi cùng. Toàn đi một mình ra trước, bố lái xe ra sau, chào nhau ở bến xe. Tan trường, tự đi từ bến xe bus về nhà, có anh Luck đón.
Vào cấp 2, Luck đã dặn, bố mẹ không cần đưa con ra bến xe. Bin cũng nói, từ sang năm con được đi một mình.
Vì thế, hôm nay tôi ra bến xe bus đón học sinh với nỗi niềm khó tả. Nhớ những ngày mưa gió, tuyết rơi, giá lạnh, các con đều có bố mẹ.
Các bạn trên bến xe bus sáng nay 20-6-2014. Ảnh: HM
Các bạn trên bến xe bus sáng nay 20-6-2014. Ảnh: HM
Rủ Bin chụp ảnh với nhóm học sinh ngày nào cũng đợi cùng một chỗ, nhưng Bin chê “they are kids – bọn trẻ ranh” nhất định không chịu.
Bố đành chụp các bạn nhỏ, vì biết rằng từ sang năm, Bin không bao giờ quay lại bến xe này, khó mà gặp các bạn cũ.
Tôi còn chụp bác lái xe thân thiện, rất ấn tượng vì nụ cười. Năm ngoái (6-2013), tôi rủ Huy Đức ra bến xe cùng với Bin để cho biết người Mỹ tôn trọng quyền trẻ em như thế nào.
Xe bus dừng, cả hai bên đường, nếu không có ngăn cách cứng, các xe lưu thông cả hai phía phải dừng lại, đợi các em lên, tín hiệu STOP được tắt và gấp lại, các xe mới được đi tiếp.
Mẹ Tiger có lần đi vội, không để ý. Một hôm nhận được cái giấy phạt 250$, kèm ảnh chụp giờ, ngày, biển xe nhà mình, đi qua xe bus đón học sinh mà không dừng. Tiger điên cả đêm không ngủ vì không thể nhớ phạm luật khi nào.
Huy Đức thấy bác lái xe đón các em bằng cách giơ tay high five (đập nhẹ vào bàn tay của từng em một), một cử chỉ nhỏ nhưng nói lên sự thân ái của những nhân viên dù làm thuê bán thời gian cho ngành giáo dục. Một buổi sáng bao giờ cũng đẹp và trong lành cho tuổi thơ.
High Five - bác tài chào từng em bằng cái đập nhẹ vào tay. Ảnh: HM
High Five – bác tài chào từng em bằng cái đập nhẹ vào tay. Ảnh: HM
Các con đã lớn và muốn tự lập bởi những bước đầu tiên vào đời. Nhớ lần đầu tiên (2007) đưa Luck 6 tuổi lên xe, ông tướng khóc vang trời, tưởng bị tây bắt đi mãi. Nhưng khi chiều mẹ đón, cu cậu thấy cái xe đưa đi, lại đón về, thế là quen.
Đã 7 năm trôi qua, kể từ ngày đó. Tuần rồi, dự lễ tốt nghiệp của Bin, hôm nay đưa con ra bến school bus lần cuối của cấp 1, tự nhiên thấy cả niềm vui và nỗi nhớ những ngày qua. Cha Bin nhận học bạ tốt nghiệp ở cái sân trường đầy bụi, ngồi bệt dưới đất. Nay con tốt nghiệp ngồi ghế danh dự phía trên cùng với các thầy cô, bố mẹ ngồi dưới.
Kể từ nay, hai con không cần đưa đón nữa, như đôi chim bồ câu nhỏ, tự vỗ cánh bay trên bầu trời, dù biết rằng phía trước còn nhiều gian nan.
Những bậc cha mẹ vẫn còn đưa đón con đi học, hãy lấy đó là niềm hạnh phúc. Một hôm, chẳng còn ai để chờ đợi, bạn sẽ buồn.
Khi con còn cạnh cha mẹ thì hãy làm bổn phận theo đúng nghĩa của bậc sinh thành. Khi chúng đã vỗ cánh bay đi như đàn chim gáy vườn nhà, không còn cách nào giữ lại.
Mong các con trưởng thành hơn trong những năm sắp tới. Cha mẹ sẽ không đi theo mãi được, vì các con phải đi bằng đôi chân của chính mình.
HM. 20-6-2014. Kỷ niệm Bin tốt nghiệp cấp 1 Ashlawn – Arlington.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét